Bất ngờ thương vụ đấu giá 9.400 tỷ đồng tại Vinaconex
Hiện các bên trúng giá vẫn chưa được HNX công bố
Chiều 22/11, phiên đấu giá lô cổ phần Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) sở hữu, đã diễn ra rất sôi động tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Cụ thể, SCIC bán ra 255 triệu cổ phần (57,71% vốn) Vinaconex với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng đợt thoái vốn của SCIC này lên tới 5.430 tỷ đồng.
Theo đó, có 3 nhà đầu tư đã đăng ký mua trọn lô cổ phần với mức giá lần lượt là 21.300 đồng/cổ phần, 22.300 đồng/cổ phần và 28.900 đồng/cổ phần.
Như vậy, nhà đầu tư bỏ giá cao nhất đã trúng giá trọn lô cổ phiếu của SCIC. Với mức giá này, nhà đầu tư đã phải bỏ ra 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm của SCIC.
Đặc biệt so với giá cổ phiếu VCG đóng cửa phiên 22/11 là 18.500 đồng, mức giá trúng cao hơn 10.400 đồng/cổ phiếu.
Ngay sau phiên đấu giá cổ phần VCG thuộc sở hữu của SCIC, phiên đấu giá lô cổ phần VCG của Viettel cũng diễn ra và kết thúc nhanh chóng. Theo đó, có hai nhà đầu tư tham gia cuộc đấu giá này. Mức giá cao nhất nhà đầu tư trả cho lô 94 triệu cổ phiếu VCG của Viettel 2.002.416.800.000 đồng, giá thấp nhất là 2.002.416.728.000 đồng. Như vậy, nhà đầu tư trúng giá trong thương vụ này chỉ bỏ giá cao hơn 72.000 đồng.
Tổng cộng giá trị 2 thương vụ thoái vốn tại Vinaconex lên tới 9.369 tỷ đồng, vượt xa so với giá khởi điểm khoảng 7.400 tỷ đồng. Hiện các bên trúng giá vẫn chưa được HNX công bố.
Đây là một thương vụ thoái vốn thành công về giá trị bởi năm 2017, SCIC cũng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex - tương ứng 22% vốn nhưng không thành công bởi lượng bán ra chỉ đạt 1,2%.
Như VnEconomy đưa tin, có 4 nhà đầu tư đã đăng ký tham gia mua cổ phần của SCIC tại Vinaconex bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC, Công ty TNHH An Quý Hưng và 1 cá nhân là ông Nguyễn Văn Đông. Với quy định đấu giá, nhà đầu tư muốn tham gia phải đặt cọc 10%, tương ứng 543 tỷ đồng. Tuy nhiên, sát giờ diễn ra một nhà đầu tư đã xin rút.
Hai đơn vị đăng ký lô đấu giá cổ phần của Viettel là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ là hai đơn vị đăng ký tham gia mua. Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam được thành lập vào đầu năm 2010 do ông Trịnh Cần Chính là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Ông Trịnh Cần Chính là con trai của nhà tư sản nổi tiếng Trịnh Văn Bô.
Còn Công ty Cường Vũ lại là một "ẩn số" bởi là lính mới vừa thành lập cuối năm 2017 với vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng. Nhiều luồng thông tin cho rằng Cường Vũ chỉ là đại diện cho một đại gia bất động sản giấu mặt muốn thâu tóm Vinaconex.
Là tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa vào năm 2006, Vinaconex đã đưa cổ phiếu lên sàn HNX vào năm 2008. Với số vốn điều lệ ban đầu năm 2006 là 1.499,8 tỷ đồng, qua 3 lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của Tổng công ty đạt 4.417,1 tỷ đồng.
Theo thông tin từ phía Vinaconex, công ty này đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác.
Năm 2018, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng thêm 9,3% so với năm trước. Theo đó, tổng doanh thu Vinaconex kỳ vọng là 19.440,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.335,8 tỷ đồng. Đối với Công ty Mẹ, do năm 2017 có khoản lợi nhuận đột biến từ việc thoái vốn ở Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) 760 tỷ đồng, nên nếu chỉ so sánh về số liệu thuần túy thì kế hoạch năm 2018 thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2017.