11:46 15/07/2008

BBT có “cắt” được lỗ năm 2008?

Tú Uyên

Nhiều khúc mắc nảy sinh, mà cao trào là Tổng giám đốc BBT đứng lên tuyên bố “bỏ” diễn đàn

Ông Tạ Xuân Thọ - người mặc áo vàng cam - đang vung tay tuyên bố không tham gia Đại hội cổ đông.
Ông Tạ Xuân Thọ - người mặc áo vàng cam - đang vung tay tuyên bố không tham gia Đại hội cổ đông.
Đại hội cổ đông thường niên 2008 của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT-HOSE) diễn ra vào sáng ngày 14/7/2008 thu hút khá đông các nhà đầu tư tham dự.

Phần lớn là những người có tâm huyết với công ty đến để nghe thông tin giải trình về hoạt động thua lỗ kéo dài của Công ty trong 2 năm qua, cũng như các phương hướng hoạt động trong năm 2008 của Ban điều hành Công ty nhằm cắt lỗ, vực dậy Thương hiệu “Bông Bạch Tuyết” đang trên bờ vực phá sản.

Theo như lịch trình, đại hội bắt đầu từ 7h30 và kết thúc vào buổi trưa cùng ngày, nhưng kết quả đến hơn 14h mới kết thúc vì có nhiều khúc mắc nảy sinh trong quá trình diễn ra đại hội, mà cao trào là Tổng Giám đốc BBT, ông Tạ Xuân Thọ, đứng lên tuyên bố không tham dự đại hội và xách cặp ra về.

Nhập nhằng lỗ lãi

Theo báo cáo từ Ban Giám đốc BBT, trong nhiều năm qua, BBT đã gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong thời gian từ 2006 đến nay. Công ty đã công bố lỗ liên tục 2 năm 2006 và 2007 với khoản lỗ lên đến 17,6 tỷ đồng, chưa kể khoản lỗ 6 tháng 2008.

Hiện tại, BBT đang nợ ngân hàng hơn 40 tỷ đồng. Cuối tháng 5/2008, gần 200 công nhân của công ty đã đình công đòi tăng lương. Không chỉ chậm lương, BBT cũng chậm cả báo cáo kiểm toán cả năm 2007 và quý 1/2008, dẫn đến cổ phiếu BBT của công ty bị tạm ngừng giao dịch từ 11/7.

Theo ông Thọ, vào chiều ngày 11/7 vừa qua, ngày BBT chính thức bị ngừng giao dịch, Ban giám đốc công ty đã làm việc với đại diện HOSE và đã giải trình về tình hình thua lỗ cũng như việc chậm nộp báo cáo tài chính quý 1. “HOSE đã nhất trí sẽ cho phép cổ phiếu BBT giao dịch trở lại vào ngày 16/7”, ông Thọ cho biết.

Tuy nhiên, bức xúc của nhiều cổ đông tham dự đại hội là BBT đã liên tục gửi báo cáo tài chính chậm, báo cáo lại nhập nhằng giữa khoản lãi và lỗ.

Cụ thể, theo Ban kiểm soát, năm 2006 công ty đã công bố lãi trước thuế gần 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi hồi tố đã lỗ 8,48 tỷ đồng.

Năm 2007, kế hoạch lợi nhuận đề ra là lãi 6,099 tỷ; cuối năm công ty đã công bố lãi trước thuế là 3,44 tỷ nhưng sau khi hồi tố đã lỗ đến 6,8 tỷ đồng (-111%).

Theo giải trình của Ban giám đốc, khoản lỗ năm 2007 là do doanh thu không đạt kế hoạch đề ra khi sản lượng bông sản xuất không đáp ứng năng lực bán hàng và mãi lực của thị trường. Chi phí tài chính của năm 2007 cũng chỉ hoàn thành được 52,08% so với kế hoạch 2,1 tỷ đồng;…

Ông Tạ Xuân Thọ đã công khai trước đại hội thừa nhận sự yếu kém trong việc điều hành công ty cũng như việc báo cáo kiểm toán chậm trễ do phải thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu cả hai năm 2006 và 2007 nên khối lượng công việc của bộ phận kế toán rất nhiều, không có thời gian làm!?

Đồng thời, BBT cũng xin phép HOSE được lùi thời hạn nộp báo cáo tài chính quý 1 đến cùng thời điểm nộp báo cáo tài chính quý 2 (vào ngày 25/7/2008).

Trước đại hội, ông Thọ công bố quyết tâm cắt lỗ trong năm 2008, đưa kết quả kinh doanh của công ty từ hòa vốn đến có lãi.

Cụ thể, năm 2008 BBT đặt ra mục tiêu 61 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 4 tỷ đồng; tập trung vào sản xuất bông băng, gạc y tế với mục tiêu chiếm 80% thị phần bông y tế trên toàn quốc…

Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là công ty đang thiếu vốn để hoạt động, ngân hàng không cho vay, và bản thân công ty cũng không còn tài sản gì để thế chấp.

Một số phân xưởng, cụ thể là phân xưởng sản xuất bông băng y tế của cơ sở Vĩnh Lộc đang ngừng hoạt động, công nhân đang tạm nghỉ việc vì không có nguyên liệu để sản xuất… Trước tình hình này, để vực dậy công ty trên bờ phá sản, giải pháp duy nhất là phát hành cổ phiếu để lấy vốn hoạt động.

Theo ông Thọ, hiện BBT đã tìm được đối tác để “gả” (vì theo luật không thể phát hành ra đại chúng do lỗ, chỉ có thể phát hành riêng lẻ cho một số đối tác).

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là muốn phát hành cổ phiếu BBT phải được 75% số phiếu tại Đại hội cổ đông thông qua. Thế nhưng, rắc rối ở đây là người đại diện 30% vốn Nhà nước tại BBT (Công ty Dệt may Gia Định) lại không biểu quyết đồng ý.

Có nên “vạch áo cho người xem lưng”?

Trả lời cho câu hỏi tại sao không đồng ý việc phát hành, ông Lê Đông Triều - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dệt may Gia Định cho biết: Ban Giám đốc điều hành yếu kém, số liệu báo cáo tài chính không rõ ràng … làm nhiều cổ đông lo ngại.

Theo ông Triều, việc phát hành trong thời điểm này không thuận lợi, sẽ pha loãng cổ phiếu. Ông Triều đề nghị Ban giám đốc BBT phải đưa ra phương án phát hành cụ thể, thời điểm phát hành rõ ràng, cụ thể, sau đó mới đưa ra quyết định.

Đại hội càng lúc càng trở nên sôi động khi nhiều ý kiến của các cổ đông yêu cầu BBT cần phải xem xét lại chi phí bán hàng; nâng cao tính minh bạch trong quản lý và điều hành; thay đổi công ty kiểm toán; không nên xây dựng bệnh viện trong thời gian này…

Theo thông lệ ở các công ty cổ phần có cổ đông lớn chiếm cổ phần chi phối thì các tờ trình trước Đại hội cổ đông gần như đã được bàn bạc trước và chắc chắc sẽ được thông qua sau khi báo cáo trước Đại hội cổ đông.

Tuy nhiên, nội bộ của BBT đã có những mâu thuẫn, lục đục từ trước đó. Đại diện Dệt May Gia Định, người nắm phần vốn Nhà nước tại BBT, trước đó đã không đồng ý với phương án phát hành thêm cổ phiếu, nhưng BBT rất muốn dùng Đại hội cổ đông để “ép” đại diện phần vốn Nhà nước đồng ý việc phát hành này.

Và mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi ông Triều cương quyết không biểu quyết. Và ngay lập tức ông Thọ, người nắm giữ gần 16% vốn điều lệ của BBT công bố không tham gia đại hội và xách cặp rời khỏi bàn chủ tọa.

Đại hội tưởng chừng như phải dừng lại và dời sang một ngày khác nếu không có sự can ngăn của các thành viên trong Hội đồng Quản trị, cổ đông và các nhà đầu tư.

Cuối cùng, đại hội đã biểu quyết thông qua kết quả sản xuất kinh doanh của công ty năm 2007, kế hoạch năm 2008; phê duyệt mức thù lao 2008 và thưởng hoàn thành chỉ tiêu cho Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành; phê duyệt việc bổ nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát…

Còn vấn đề thực hiện dự án Bệnh viện Bông Bạch Tuyết, phát hành thêm 8,16 triệu cổ phiếu, chọn lựa công ty kiểm toán mới còn phải chờ xin ý kiến bằng văn bản đại diện các cổ đông và đại diện cổ đông Nhà nước sau đó.

Kết thúc Đại hội cổ đông của BBT, các nhà đầu tư ra về với tâm trạng buồn và lo âu hơn. Họ không buồn vì cổ phiếu mà họ đã đầu tư trong thời gian qua không thu được cổ tức, giá giảm mạnh, mà buồn vì Ban điều hành công ty mất đoàn kết.

Theo quy định của HOSE, công ty niêm yết nếu lỗ 3 năm liên tiếp thì sẽ bị hủy niêm yết. Đã qua thời gian 2 năm 6 tháng, chỉ tính riêng lãi vay ngân hàng, BBT đã mất hơn 4 tỷ đồng.

Từ giờ đến cuối năm 2008, chỉ còn hơn 5 tháng nữa, BBT phải lãi 8 tỷ đồng thì mới hòa vốn. Liệu với tình trạng này, Hội đồng Quản trị và Ban giám đốc làm gì để mang về khoản lãi 8 tỷ? Và việc phát hành cổ phiếu, nếu được sự đồng ý của cổ đông Nhà Nước, có giúp công ty thoát khỏi lỗ trong năm 2008?