13:15 12/09/2019

Bệnh glocom - nguyên nhân gây mù lòa

PV

Glocom là nhóm bệnh lý thần kinh thị giác tiến triển cấp tính hoặc mãn tính, đặc trưng bởi sự chết dần các tế bào hạch võng mạc dẫn đến những biểu hiện tổn hại đầu dây thần kinh thị giác và thị trường. Hậu quả cuối cùng của glocom là mù loà vĩnh viễn không có khả năng hồi phục.


Để góp phần thực hiện Chiến lược Phòng chống mù lòa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội và Viện Save Sight thuộc trường Y Khoa của Đại học tổng hợp Sydney, Úc vừa tổ chức Hội thảo đào tạo liên tục Glocom. Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các bác sĩ chuyên khoa mắt của Việt Nam.
Bệnh glocom - nguyên nhân gây mù lòa - Ảnh 1.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2010 thế giới có khoảng 60,5 triệu người bị glocom, dự tính năm 2020 sẽ có 79,5 triệu và năm 2030 sẽ có 110 triệu người bị bệnh này. Hiện nay, bệnh glocom đã trở thành nguyên nhân quan trọng thứ hai gây mù trên thế giới. Ở Việt Nam, 65% bệnh nhân bị mù hai mắt do bệnh lý glocom. Đây là bệnh lý hết sức nguy hiểm vì bệnh chủ yếu diễn tiến âm thầm, cướp đi thị lực và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhân dân. TS. BS. Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh glocom, đặc biệt là các trường hợp như người hơn 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh glocom, người có nhãn áp cao, bị tật khúc xạ, viễn thị, cận thị, có tiền sử mắt bị chấn thương, dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, béo phì hoặc bị tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn hệ thống....
Bệnh glocom không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị glocom là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Người mắc bệnh glocom có thể duy trì thị lực bằng các phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa. Vậy nên việc cập nhật cách điều trị mới, tân tiến của nước ngoài là rất cần thiết, góp phần thực hiện Chiến lược Phòng chống mù lòa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 hiện là cơ sở thực hành của trường Đại học Y Hà Nội. Bệnh viện luôn tận dụng mọi cơ hội đào tạo liên tục cho đội ngũ y bác sĩ tại cơ sở và chia sẻ kiến thức với các bác sĩ nhãn khoa.