Betrimex - Đơn vị tiên phong trong thử nghiệm giải pháp phòng trừ sâu đầu đen
Là đơn vị tiên phong trong các hoạt động phòng trừ sâu đầu đen hại dừa tại tỉnh Bến Tre, Công ty Betrimex đã đồng hành và mang nhiều công trình nghiên cứu đạt thành tựu đáng kể cho người nông dân toàn tỉnh...
Sâu đầu đen hại dừa có nguồn gốc từ Nam Á gây hại nhiều nước trồng dừa vùng Thái Bình Dương như Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh…, vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Cambodia, Việt Nam.
Ở Việt Nam, sâu đầu đen đã từng xuất hiện ở Bến Tre, nhưng với mật độ thấp, gây hại không đáng kể. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng đã phát hiện nhiều nơi có vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại rất nặng.
Ước tính thiệt hại sinh trưởng trên 70% số lá trên cây và trên 80% năng suất của cây dừa (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, 2020). Sâu gây hại bằng cách ăn phá lá già đến lá non và quả của cây dừa, làm giảm năng suất và mẫu mã trái thương phẩm. Một số vùng, sâu gây chết cây, nông dân phải đốn bỏ cả vườn dừa.
Riêng tại huyện Mỏ Cày Nam, số liệu thống kê ban đầu cho biết, tổng số cây dừa bị sâu đầu đen gây hại trên địa bàn là 10.241 cây, diện tích 71,57ha, trong đó, số cây đốn và tiêu hủy 1.151 cây, số cây cần chữa trị 9.090 cây.
Tuy nhiên, trong quá trình dập dịch, có thêm 4.956 cây dừa bị sâu tấn công, số cây bị nhiễm sâu tăng lên, cộng với diện tích bị nhiễm lan rộng, nâng tổng số cây bị hư hại lên tới 14.046 cây, tổng diện tích nhiễm sâu 76ha (tính đến tháng 6/2021). Cụ thể, xã Thành Thới B có 30,7ha dừa bị nhiễm sâu, xã Tân Trung 6,8ha, xã Đa Phước Hội 38,3ha.
QUÁ TRÌNH THỬ NGHIỆM ĐẶT ĐƯỢC NHIỀU THÀNH TỰU ĐÁNG KỂ
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đã giao cho Công ty Betrimex và Công ty TNHH Nghiên cứu, Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công (SRDC) hợp tác triển khai các biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa trên diện tích khoảng 40 ha tại xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Với kinh nghiệm sẵn có từ quản lý sâu gây hại trên cây mía và xuất khẩu thành công các phương pháp sinh học sang Lào, Betrimex và SRDC đã đề xuất phương pháp tổng hợp để trị sâu an toàn, đạt hiệu quả cao mà tốt cho môi trường như: kết hợp bẫy đèn, phun cục bộ dầu BSF, thả ong ký sinh mắt đỏ Trichogramma sp., bảo tồn và phát huy thiên địch địa phương.
Cụ thể, bẫy đèn giúp dự tính, dự báo và giảm mật độ số con trưởng thành; dầu BSF (được chiết xuất từ nhộng của ruồi lính đen đã được nhũ hóa) có tác dụng tiếp xúc, làm bít lỗ thở của sâu, làm sâu chết và xua đuổi, gây ngán ăn ở sâu.
Trong khi đó, ong mắt đỏ là giải pháp hiệu quả đối với trứng sâu mới đẻ. Ong mắt đỏ đẻ trứng vào trứng của sâu đầu đen (ký sinh) gây chết và tạo ra các thế hệ ong mới trong tự nhiên.
Với các biện pháp trên, các thiên địch tại chỗ được bảo vệ và tăng mật số. Sau thời gian thử nghiệm đợt 1, dự án đã thực hiện hoàn tất các công tác tập huấn nhận diện sâu hại, xử lý phun dầu BSF và xử lý thả ong mắt đỏ đợt 1 thu được kết quả lượng sâu hại giảm đáng kể.
Mở rộng diện tích thử nghiệm để tiếp phục phát huy thành tựu
Betrimex và SRDC đã nhận được sự tin tưởng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hỗ trợ tạo điều kiện phân công lực lượng chính, phương tiện, chọn vườn dừa nguyên liệu khoảng 100 ha để thực hiện mở rộng thử nghiệm.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được từ lần thử nghiệm đầu tiên, Công ty Betrimex và SRDC phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan, bắt tay vào thực hiện phun dầu BSF kết hợp vi khuẩn BT và thả ong mắt đỏ đợt 2 trong tháng 11-12 vừa qua. Đến nay đã nâng tổng diện tích dừa được xử lý lên gần 150 ha với hơn 12.160 cây dừa.
Công ty Betrimex và SRDC đã hỗ trợ huyện Bình Đại phóng thích 5,2 triệu con ong ký sinh mắt đỏ nên vùng này đã được kiểm soát tương đối tốt. Những vùng còn lại cũng vừa được thả ong ký sinh trên vườn dừa để nghiên cứu, nhân nuôi như huyện Mỏ Cày Nam và TP. Bến Tre.
Diện tích nhiễm sâu đầu đen đến nay có thể vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên tỉnh Bến Tre đã khống chế được mức độ gây hại, dù có sâu nhưng mật số gây hại không đáng kể đối với sản xuất.
“Hướng tới là kiên trì giải pháp bằng sinh học để kiểm soát bền vững vấn đề sâu đầu đen trên vườn dừa, không chú trọng quá nhiều vào việc phun thuốc vì thuốc chỉ là giải pháp dập dịch tạm thời”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức thông tin.
Cùng với đó, Công ty Betrimex đã đề xuất với địa phương, thống nhất vận động người dân cắt bỏ các tàu lá dừa khô nhiễm sâu nặng trước khi phun dầu, nhằm đẩy mạnh hiệu quả phun dầu giảm áp lực sâu hại. Đồng thời, tiến hành thả ong ký sinh để quá trình phòng trừ sâu đạt được hiệu quả cao nhất.
Mặc dù vậy, để đạt được kết quả tốt hơn nữa, quá trình thử nghiệm vẫn cần có sự đồng hành của các đơn vị nghiên cứu, quản lý nông nghiệp tham gia sát sao cũng như sự ủng hộ của bà con nông dân triển khai rộng rãi phương pháp phòng trừ hữu cơ an toàn cho sức khoẻ, môi trường và phát huy hệ sinh thái tự nhiên.
BETRIMEX LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRỒNG DỪA HƯU CƠ
Là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng biện pháp quản lý mới trong nông nghiệp - Farmer Relationship Management, công tác phòng trị sâu bệnh quy mô lớn của Betrimex có căn cứ khoa học bài bản, đã và đang là bước đệm cho hướng đi chuyển đổi số trong nông nghiệp như định hướng của Thủ tướng ở Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp ngày 29/12 vừa qua.
Những giá trị mà giải pháp của Betrimex - SRDC mang lại được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đánh giá cao và hoan nghênh doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng phát triển với ngành nông nghiệp tỉnh.
Cam kết đồng hành và hướng tới mục tiêu cung cấp các sản phẩm dừa đạt chuẩn hữu cơ mở rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, Betrimex đã hỗ trợ hơn 5000 hộ nông dân trồng dừa tại Bến Tre sử dụng phân bón hữu cơ và tổ chức tập huấn các phương pháp phòng trừ sâu hại.
Tính đến nay, Betrimex đã huy động được hơn 7000 ha dừa hữu cơ, giúp tăng khả năng chống chịu hạn mặn, sâu bệnh của cây dừa. Tình hình sâu đầu đen gây hại tại các huyện Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Chợ Lách và thành phố Bến Tre cũng đã được cải thiện đáng kể.