10:03 08/06/2024

Bị nhà thầu Nhật Bản kiện 4.000 tỷ đồng, chủ đầu tư metro số 1 TP.HCM lên tiếng

Thanh Thủy

Dự án metro số 1 có hơn 300 khiếu nại ở tất cả các gói thầu trong suốt quá trình thực hiện từ nhà thầu Nhật Bản. Tuy nhiên, việc giải quyết các khiếu nại luôn diễn ra song song với triển khai dự án nên vẫn đảm bảo tiến độ thi công…

Metro 1 TP.HCM sẽ hoàn thành dự án trong năm nay - Ảnh minh họa
Metro 1 TP.HCM sẽ hoàn thành dự án trong năm nay - Ảnh minh họa

Chiều 6/6, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) - chủ đầu tư dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã có văn bản phản hồi các vấn đề liên quan đến vụ việc nhà thầu Hitachi khiếu nại đòi chi phí phát sinh gần 4.000 tỷ đồng.

“VIỆC KHIẾU NẠI LÀ RẤT PHỔ BIẾN”

Theo MAUR, dự án meto số 1 trải dài qua nhiều thời kỳ, giai đoạn, dẫn đến những tồn đọng kéo dài và chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện dự án hình thành 3 vụ kiện tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà thầu chính, gồm: 2 vụ kiện với Liên danh Sumitomo - Cienco 6 và một vụ kiện với nhà thầu Hitachi. 

Tổng số khiếu nại của các nhà thầu khoảng 300 nội dung, tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm 70% giá trị tổng mức đầu tư 43.000 tỷ đồng. 

Trước đó, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng đã gửi công văn hỏa tốc đến Sở Ngoại vụ TP.HCM để dự thảo báo cáo Thủ tướng và Bộ Ngoại giao, đề xuất các giải pháp giải quyết các vướng mắc dự án metro số 1.

Một trong số những nội dung đáng chú ý được đề cập là nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đã khởi kiện Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và yêu cầu chủ đầu tư bồi thường 23,72 tỷ yen (gần 4.000 tỷ đồng) đối với các chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành. 

Tuy nhiên, chủ đầu tư không đồng ý và cho rằng những điều kiện, đòi hỏi của nhà thầu Hitachi chưa đủ pháp lý để giải quyết, cần có sự đánh giá của Tư vấn chung NJPT. 

Theo quy định của hợp đồng, nhà thầu sẽ được hưởng các chi phí liên quan nếu việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng (Extension of Time - EoT) do lỗi từ chủ đầu tư. Ngược lại, họ phải bồi thường thiệt hại nếu việc chậm tiến độ là lỗi của nhà thầu.

Theo quy định của hợp đồng CP3, thời gian hoàn thành gói thầu vào ngày 8/4/2018 (244 tuần, kể từ ngày khởi công vào 5/8/2013). Nhà thầu Hitachi đã yêu cầu gia hạn thời gian hoàn thành (EoT) là 4.124 ngày (thời gian bắt đầu vận hành thương mại vào 20/11/2024). Tuy nhiên, Tư vấn chung NJPT kiến nghị chủ đầu tư trao EoT gia hạn thời gian hoàn thành tạm thời là 2.161 ngày.

Tại buổi họp, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM cho biết tại dự án xây dựng tuyến metro số 1, nhà thầu khiếu nại ở tất cả gói thầu trong suốt quá trình triển khai thực hiện đến nay.

 

Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC) được thành lập vào ngày 28/04/1993 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964), hoạt động theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Đây cũng chính là Trung tâm trọng tài được quy định trong các Hợp đồng của dự án xây dựng tuyến metro số 1, để giải quyết các vấn đề không thống nhất giữa các bên tham gia hợp đồng.

Hiện, đa phần các khiếu kiện của các nhà thầu tại dự án metro số 1 đều bị Tư vấn chung NJPT (đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt đô thị) bác bỏ vì không đủ căn cứ pháp lý. 

Trường hợp không hài lòng, nhà thầu có quyền đề nghị thành lập ban xử lý tranh chấp hoặc đề nghị Trọng tài thương mại xem xét theo đúng các điều khoản đã ký trong hợp đồng cho các nội dung khiếu nại.

Theo MAUR, các hợp đồng triển khai thi công tại dự án metro số 1 được áp dụng mẫu của Hợp đồng Hiệp hội tư vấn kỹ sư quốc tế (FIDIC).

Theo quy định hợp đồng này, nhà thầu tự cho rằng có quyền đòi hỏi các chi phí trong trường hợp nhà thầu nhận thấy trong quá trình thi công có những điểm khác biệt so với thông tin khảo sát ban đầu. Hoặc nhà thầu nhận thấy kế hoạch thực hiện hợp đồng của họ bị thay đổi so với kế hoạch ban đầu gây bất lợi cho nhà thầu; nhà thầu sẽ gửi khiếu nại đến chủ đầu tư.

MAUR cho rằng việc khiếu nại tương tự (áp dụng hợp đồng FIDIC) phổ biến trên thế giới. Tại dự án xây dựng tuyến metro số 1, nhà thầu khiếu nại ở tất cả gói thầu trong suốt quá trình triển khai thực hiện đến nay. 

Đồng thời, MAUR khẳng định đối với các khiếu nại, phát sinh hợp lý, chủ đầu tư đã tiến hành giải quyết thanh toán cho các nhà thầu.

Ngược lại, những khiếu nại có nội dung chưa thống nhất được, các bên vẫn đang giải quyết theo quy định hợp đồng thông qua Trung tâm Trọng tài. Gần đây, MAUR và nhà thầu cũng đã bàn bạc thêm một giải pháp giải quyết thông qua Ban xử lý tranh chấp (DAB).

CÔNG TÁC THI CÔNG VẪN THỰC HIỆN ĐÚNG TIẾN ĐỘ

Để đảm bảo tiến độ dự án, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cũng đã đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng để đề nghị phía Nhật Bản quan tâm, hỗ trợ. Đồng thời, có các trao đổi, tác động với các nhà thầu Nhật Bản (đặc biệt là nhà thầu Hitachi) sớm hoàn thành công việc để đưa metro số 1 vào khai thác thương mại.

MAUR cho biết việc gửi các khiếu nại đến chủ đầu tư là quyền của nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án theo hợp đồng quốc tế FIDIC đã ký kết. Việc giải quyết các khiếu nại luôn diễn ra song song với quá trình triển khai thực hiện dự án. Do đó công tác thi công dự án vẫn được thực hiện theo tiến độ thống nhất với phía các nhà thầu và tư vấn của Nhật Bản.

Về thời gian hoàn thành dự án, MAUR dẫn nội dung Công hàm ngày 2/5/2024 của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam gửi Chủ tịch UBND TP.HCM có nêu quan điểm của Chính phủ Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và các nhà thầu là sẽ hoàn thành công tác thi công dự án trong năm nay.

Cụ thể, hoàn thành công tác thử nghiệm vận hành tích hợp liên động vào cuối tháng 7, thực hiện công tác đào tạo vào tháng 8 và tháng 9, tổ chức chạy thử tàu trong tháng 10 và tháng 11 và nhận chứng nhận an toàn mà không bị chậm trễ.

 

Metro số 1 dài 19,7 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM và là một trong 10 tuyến thuộc hệ thống metro theo quy hoạch chung TP.HCM.