15:07 09/05/2017

​Bí quyết bảo quản hoàn hảo

PV

​Bí quyết bảo quản hoàn hảo - Ảnh 1

Việc đầu tiên: dọn dẹp lại tủ lạnh Trước khi sắp xếp lại thực phẩm trong tủ lạnh, điều đầu tiên bạn cần làm là lau dọn tủ một cách cẩn thận. Tốt nhất, hãy làm lần lượt từ trên xuống dưới những điều sau: - Bỏ hết những đồ ăn đã quá hạn sử dụng. - Chọn lọc và giữ lại các loại gia vị mới sử dụng một lần như tương cà chua, tương ớt, xốt mayonnaise..., loại bỏ những chai lọ đã hết hạn để tránh gây nhầm lẫn. - Nếu tủ lạnh quá nhỏ, bạn có thể bỏ bớt ra ngoài một số loại thực phẩm như: cà chua, hành, khoai tây, bánh mì, hạt ngũ cốc, chuối… vì những thực phẩm này có thể bảo quản dễ dàng ở nhiệt độ phòng.

​Bí quyết bảo quản hoàn hảo - Ảnh 2

Việc thứ hai: sắp xếp thực phẩm đúng cách Tủ lạnh cũng có nguyên lý riêng của nó và bạn cần hiểu rõ nguyên lý ấy. Hiện nay, tủ lạnh thường gồm hai ngăn, ngăn đông có nhiệt độ âm và ngăn lạnh có nhiệt độ dương. Về mùa đông, nếu đặt ở số 1 (ít lạnh nhất) nhiệt độ trong ngăn lạnh sẽ khoảng từ 2 đến 5 độ C, nhiệt độ ngăn bảo quản rau quả khoảng từ 7 đến 10 độ C là phù hợp để bảo quản thức ăn ngắn hạn. Nhưng về mùa hè, muốn duy trì nhiệt độ này phải điều chỉnh lên số 4, số 5.  Về việc thực phẩm sắp xếp trong tủ sao cho khoa học và phù hợp với từng chủng loại, bạn có thể tham khảo cách sắp xếp dưới đây. - Ngăn phụ dưới cùng thường được thiết kế với độ ẩm thích hợp để chứa các loại hoa quả tươi và rau củ. Không nên để trái cây quá sát nhau trong tủ lạnh để tránh một quả chín làm cho các quả còn lại chín theo. - Ngoại trừ ngăn đông đá thì phần lạnh nhất trong tủ lạnh lại không phải là mặt kính sát với ngăn rau củ. Do đó đây là ngăn tốt nhất chứa các loại thực phẩm tươi sống. Bạn nên mua nhiều hộp nhựa để bảo quản và phân loại những loại đồ ăn này, tránh gây ô nhiễm. - Ngăn trên cùng thích hợp để đồ ăn còn thừa sau mỗi bữa ăn, đồ uống, đồ ăn sẵn. - Ngăn giữa là nơi phù hợp cho các đồ cần bảo quản mát như cà phê, sữa chua, bánh ngọt... - Trứng, đồ gia vị có thể được đặt ở cánh cửa tủ lạnh. Ở ngăn đông đá, khi sử dụng, bạn cần lưu ý thực phẩm đã lấy ra thì phải chế biến ngay bởi khi đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đá sẽ gây ra nhiễm độc thực phẩm. Thực phẩm mới cho vào ngăn đá nên để ở phía trong, thực phẩm mua trước đó nên xếp ra ngoài để dùng trước. Nên gắn nhãn ngày trên thực phẩm đông đá để tránh trường hợp dùng nhầm đồ để lâu. Việc gắn nhãn ngày mua, ngày mở hộp hoặc ngày hết hạn sản phẩm đông lạnh, đồ hộp… cũng nên áp dụng cả ở ngăn mát.

​Bí quyết bảo quản hoàn hảo - Ảnh 3

Việc thứ ba: thay đổi thói quen của bạn Trong tủ lạnh vi khuẩn không chết mà chỉ phát triển chậm lại hoặc ngừng phát triển, độc tố của chúng cũng không bị phá huỷ. Chúng chỉ tạm thời “ngủ yên”, đợi khi ra khỏi tủ lạnh gặp điều kiện nhiệt độ thường trong nhà hoặc nhiệt độ của cơ thể con người chúng sẽ trở lại hoạt động bình thường. Để phòng tránh bệnh tật, giữ gìn vệ sinh thực phẩm thật tốt khi sử dụng tủ lạnh, cần thực hiện những khuyến cáo sau: - Nước dùng làm kem, làm đá phải là nước đã đun sôi.  - Thức ăn chín muốn để dành phải đưa ngay vào tủ lạnh chậm chất là 4 giờ sau khi xào nấu xong. Khi cần lấy ra khỏi tủ lạnh phải ăn ngay không để lâu quá 4 giờ ở nhiệt độ trong nhà. - Những thức ăn sống như thịt, cá… muốn để dành phải cất vào tủ lạnh ngay sau khi giết thịt, không được để chậm quá 4 giờ. Khi lấy ra khỏi tủ lạnh phải chế biến ngay.  - Đối với những thực phẩm sống hoặc chín không biết chắc chắn chế biến từ bao giờ, rất có thể đã bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố của vi khuẩn, cần phải chế biến ngay hoặc đun nấu lại cẩn thận trước khi cho vào tủ lạnh.  - Lau dọn tủ lạnh một tuần một lần, tốt nhất là hãy vệ sinh tủ lạnh trước khi bạn có ý định tới siêu thị. Cần nhớ tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn chứ không có tác dụng diệt khuẩn. Vì vậy, những thức ăn đưa vào tủ lạnh phải là những thức ăn tươi, sạch, không bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn mới đảm bảo an toàn được.

​Bí quyết bảo quản hoàn hảo - Ảnh 4

Những lưu ý khi bảo quản thực phẩm hữu cơ
1.    Với các loại thịt:
-    Thịt sống (Lợn, gà, vịt, bò): Rửa sạch, để ráo nước, đóng gói hút chân không hoặc bọc bằng màng bọc thực phẩm có thể giữ từ 1 - 3 tháng trên ngăn đá.
-    Thịt chín (bò, gà, heo): Bảo quản được trong 1 - 2 ngày.
-    Thịt quay, bò bít tết: 3 - 5 ngày.
-    Hotdog, xúc xích: 1 tuần nếu đã mở gói, 2 tuần nếu chưa mở gói.
-    Thịt muối: 7 ngày.
2.    Với hoa quả
-    Chuối chín: Chuối bóc vỏ, bỏ trong túi đông lạnh có thể giữ được trong tủ đá 2 tuần.
-    Dâu: giữ được 2 - 3 ngày trong ngăn lạnh và 8 - 12 tháng trong ngăn đá, với điều kiện bạn xếp dâu vào khay, để đông cứng rồi cho vào hộp hoặc túi nilon. Tránh bỏ dâu vào túi nilon/hộp ngay vì dễ khiến chúng bị thối, ủng, dập.
-    Cam, táo: có thể giữ trong tủ lạnh 1 tuần.
3.    Với sản phẩm từ sữa
-    Sữa tươi: 7 ngày.
-    Bơ tươi: 2 - 3 tháng trong tủ lạnh và 6 - 9 tháng trên ngăn đá.
-    Phomat cứng: 2 tuần.
-    Phomat bào nhỏ: 1 tháng.
-    Phomat mềm: 3 - 4 tuần trong ngăn lạnh nếu đã mở gói.
4.    Với các loại rau
-    Các loại củ (củ cải trắng, cà rốt, củ cải đỏ): 2 tuần.
-    Rau ăn lá: Rau sạch có thể giữ được ở nhiệt độ thường trong ít nhất 3 ngày, vì thế, bạn không nên cất rau trong tủ lạnh. Nếu muốn giữ lâu hơn, bạn nên gói rau vào túi nilon kín hoặc túi giấy rồi mới cất vào ngăn dưới cùng của tủ lạnh.
 
Bảo quản thức ăn thừa
- Lưu trữ tất cả thức ăn thừa trong túi zipper hoặc hộp bảo quản thực phẩm kín gió, không rò rỉ để lưu giữ hương vị và dưỡng chất cho bữa ăn sau đó.
- Chia thức ăn thừa vào các hộp chứa nhỏ, dàn phẳng để làm nguội nhanh hơn. Bởi một số bào tử vi khuẩn vẫn tồn tại trong quá trình nấu ăn và có thể nảy mầm nếu thực phẩm ở nhiệt độ phòng trong thời gian đủ dài.
- Thức ăn thừa cần được cho vào tủ lạnh sau thời điểm nấu ăn hai giờ. Và bạn không cần chờ cho các loại thức ăn nguội hoàn toàn, chỉ cần để vài phút để thức ăn bớt nóng và cất vào tủ vì tủ lạnh hiện đại có thể xử lý nhiệt.
- Với món thịt nhồi còn nóng, nên tháo bỏ phần nhồi bên trong ra và cho vào hai hộp riêng biệt để bảo quản. Bởi nếu để nguyên cả con gà nhồi hay tảng thịt nhồi… tủ lạnh có thể không làm mát đủ nhanh và món ăn này sẽ không còn an toàn.
- Đừng làm mát các thực phẩm còn sót lại trong lon kim loại. Khi mở lon ra, kim loại còn sót lại trên vành có thể xâm nhập vào thực phẩm và để lại hương vị kim loại.
 
Túi, hộp hay giấy?
Thói quen của đa số các bà nội trợ Việt là bọc kín thực phẩm bằng túi nilon hoặc màng nilon trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Đây là một thói quen sai lầm. Thực tế, kể cả khi để trong tủ lạnh, thực phẩm của bạn cũng cần phải “hít thở”, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu vi sinh. Ngoài ra, cần cân nhắc chọn loại giấy/bao để bọc thực phẩm vì nhiều loại nilon tái chế có thể khiến thực phẩm bị “lây” chất độc hại.
1.    Giấy nến: hay còn gọi là giấy sáp được thiết kế để giữ thực phẩm tươi lâu hơn. Không chỉ chống thấm nước và chống dính, giấy nến giúp thực phẩm không bị lây nhiễm mùi của nhau. Cad loại thực phẩm giàu vi sinh như phô mai, xúc xích, thịt ngội… nếu được gói vào giấy nến sẽ giúp chúng tăng độ ẩm và tươi ngon hơn. Ngoài ra, phủ một tấm giấy nến lên trên miệng bát hoặc đĩa khi quay lò vi sóng, sẽ giúp cho đồ ăn khi quay trong lò vi sóng không phát ra những tiếng nổ nữa.
2.    Túi giấy: Bao bì bằng giấy là sản phẩm thân thiện với môi trường, ít độc hại nên ngày càng được ưa chuộng trong lĩnh vực đóng gói, bảo quản thực phẩm. Người ta thường sử dụng túi, hộp giấy để chứa thức ăn (bánh mỳ, bánh kem, đồ ăn nhanh), đồ uống (sữa, nước trái cây) và các loại rau củ vì chúng không chứa các nguyên tố hóa học độc hại như túi nilon. Đặc biệt, các loại rau thơm muốn lưu giữ lâu trong tủ lạnh, bạn hãy cắt bỏ gốc, bọc túi giấy ra ngoài rồi để vào tủ lạnh.
3.    Hộp nhựa: hộp nhựa bảo quản thực phẩm phổ biến hơn cả vì có ưu điểm nhẹ, không bám mùi, dễ chùi rửa, giá cả phải chăng và có nhiều kích cỡ, hình dáng phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng.
4.    Hộp bảo quản thực phẩm bằng thủy tinh và sứ: có ngoài vẻ sang trọng hơn, nếu là loại chịu nhiệt thì khi lấy từ tủ lạnh ra có thể cho ngay vào lò vi sóng hâm thức ăn mà không lo bị vỡ, đồng thời còn sử dụng được cả trong lò nướng. Song thủy tinh và sứ lại khá nặng, dễ vỡ, nguy hiểm khi nhà có trẻ nhỏ. 
5.    Loại hộp BQTP bằng tritan: được đưa ra thị trường trong thời gian gần đây vì có nhiều ưu điểm so với các chất liệu trên: Nhẹ và trong suốt như thủy tinh, không bám mùi, ít bị trầy xước, có thể luộc trong nước sôi để thanh trùng. 
6.    Túi hút chân không: Gần đây phương pháp bảo quản thực phẩm bằng túi hút chân không là một trong những xu hướng mới được rất nhiều chị em sử dụng. Thực tế công việc của những chiếc túi chân không này chính là hút hết không khí trong túi bảo quản thực phẩm ra, tạo nên một môi trường chân không. Từ đó giúp giảm thiểu tình trạng vi khuẩn, nấm mốc phát triển và làm hỏng thực phẩm. Khi dùng những chiếc túi này để bảo quản thực phẩm, chúng ta có thể giữ chúng trong thời gian dài gấp 3 - 5 lần so với việc để trong ngăn đá tủ lạnh mà vẫn giữ nguyên được độ tươi ngon.


Hoàng Oanh