16:08 03/08/2015

“Bí quyết” của một khách sạn kiểu Nhật tại Việt Nam

Phi Sơn

“Thực ra, các bạn có thể thấy những điều tôi nói thật hiển nhiên”, ông Sasaki Hajime, Tổng giám đốc Sakura Hotel nói

Ông Sasaki Hajime, Tổng giám đốc Sakura Hotel (bên phải) và ông Yanamoto Hidetetsu, Tổng giám đốc Tổng công ty Sakura Việt Nam.
Ông Sasaki Hajime, Tổng giám đốc Sakura Hotel (bên phải) và ông Yanamoto Hidetetsu, Tổng giám đốc Tổng công ty Sakura Việt Nam.
Hoạt động theo mô hình khách sạn Nhật, khai trương từ năm 2014, chuỗi khách sạn Sakura tại Hà Nội nằm dưới sự quản lý của New BG - một tập đoàn thương mại lớn tại Osaka (Nhật Bản).

Khách sạn Sakura thứ hai tại Hà Nội ra mắt trong năm nay, trong khi khách sạn thứ ba cũng đã được dự kiến hoàn thành năm tới.

Ngoài lĩnh vực khách sạn, New BG cũng đang triển khai nhập khẩu các sản phẩm cho trẻ em từ Nhật vào Việt Nam.

"Hoạt động kinh doanh của New BG tại Việt Nam khởi nguồn từ một chuyến du lịch đến Việt Nam của ông Yanamoto, Tổng giám đốc New BG. Trong chuyến đi này, ông quan sát thấy nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm an toàn dành cho trẻ em của nhiều bà mẹ Việt Nam có con nhỏ", ông Sasaki Hajime, Tổng giám đốc Sakura Hotel kể với VnEconomy.

Ông Sasaki Hajime nói:

- Vì vậy, chúng tôi đã quyết định phát triển kinh doanh tại Hà Nội, nơi mà thị trường dành cho các sản phẩm nổi tiếng với chất lượng và sự an toàn từ Nhật Bản vẫn chưa được khai thác.

Ở thời điểm hiện tại, ngoài các sản phẩm dành cho trẻ em chúng tôi còn có bán các loại sản phẩm tạp hóa khác.

Sau khi chúng tôi có mặt tại thị trường Việt Nam, số lượng người Nhật sang công tác tại đây cũng ngày một tăng. Vì vậy vào năm ngoái, chúng tôi đã triển khai dịch vụ khách sạn thương mại, và kết quả rất khả quan với công suất hoạt động trung bình của cả hai chi nhánh là 90%, và lượng khách quay trở lại cũng đạt 90%.

Theo ông, lý do gì khiến người Nhật ưa mô hình khách sạn kiểu Nhật như Sakura?

Về mặt trang thiết bị, khách sạn Sakura trang bị phòng tắm chung lớn với phòng xông hơi, tất cả các phòng khách đều được trang bị bồn cầu thông minh, như các khách sạn thương mại ở Nhật.

Ngoài ra, công tắc đèn điện được bố trí ở nơi khách có thể với tới, tivi được đặt ở nơi vừa tầm mắt, hay những chú ý chi tiết tới không gian của khách sạn là những điểm cộng.

Mặt khác, người Nhật Bản còn rất coi trọng vấn đề an ninh nơi ở của mình. Chúng tôi cũng luôn nỗ lực để tạo ra một không gian sạch sẽ, dịch vụ tiếp khách hoàn hảo, cùng dịch vụ sửa chữa hỏng hóc nhanh chóng.

Sự tiện nghi của khách sạn cũng nhận được lời khen từ khách hàng.

Thực ra, các bạn có thể thấy những điều tôi nói thật hiển nhiên. Nhưng đúng là, nếu chúng ta làm tốt những điều cơ bản nhất, khách hàng sẽ tự tìm đến những nơi thoải mái phù hợp với họ.

Tôi để ý là nhà tắm lớn có trang bị phòng xông hơi của khách sạn dường như được nhiều khách hàng quan tâm...

Không cần phải là khách thuê khách sạn cũng có thể sử dụng nhà tắm với giá hợp lý. Đây chính là điểm thu hút không chỉ với khách Nhật Bản mà còn với khách Việt.

Mỗi tháng có trung bình 150 khách không thuê khách sạn, nhưng có sử dụng dịch vụ nhà tắm, trong đó có 30% là khách người Việt Nam.

Từ quan sát của ông, ưu điểm và nhược điểm của nhân viên người Việt Nam là gì?

Người Việt Nam rất thân thiện và ham học hỏi.

Tuy nhiên, cũng có lúc họ có những hành động mà trong văn hóa tiếp khách của Nhật Bản bị coi là thất lễ, ví dụ như chống cằm khi ngồi.

Vì vậy, quản lí khách sạn thường cố gắng hướng dẫn họ từ những điều cơ bản nhất, như thái độ tiếp khách, ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, hay cách đặt các vật dụng tiện nghi đúng vị trí.

Các ông dự tính sẽ mở khách sạn Sakura thứ ba tại Hà Nội vào đầu năm tới?

Chúng tôi dự tính mở khách sạn thứ ba tại Kim Mã, Hà Nội trong thời gian gần nhất. Sẽ có trên 70 phòng khách và có phòng tắm lớn kèm phòng xông hơi dành riêng cho đối tượng khách hàng là phụ nữ.

Trong khi đó, phong cách phục vụ kiểu Nhật Bản vẫn sẽ được giữ nguyên.

Khách sạn thứ ba nằm tại con phố nơi tập trung nhiều người Nhật Bản, và trong tương lai lượng khách tới công tác được chúng tôi dự tính sẽ tăng nhanh chóng.

Về việc kinh doanh hàng Nhật nhập khẩu của Sakura, có điểm gì đáng chú ý không?

Những mặt hàng dành cho trẻ em hay sản phẩm tạp hóa được nhập khẩu từ Nhật hiện đang được bán tại các cửa hàng “Made in Japan”, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Sakura Vietnam - một công ty con của New BG.

Các sản phẩm được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật, nên giá thành có chút đắt đỏ, nhưng ngược lại có thể an tâm về chất lượng. Hiện tại, có khoảng 4.000 sản phẩm từ Nhật đang được bán tại 5 cửa hàng “Made in Japan” tại Hà Nội, từ những mặt hàng dành cho trẻ em như bỉm tới các sản phầm điện gia dụng như tủ lạnh, quạt hay những đồ dùng trong bếp...

Chúng tôi dự tính sẽ nâng số cửa hàng “Made in Japan” lên con số 10 trong năm nay.

* Thông tin tham khảo:

Sakura Hotel 1
Địa chỉ : Số 16 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội
Tel : +84-4-7106-5678
Website: https://www.sakurahotel.net