19:56 09/08/2023

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đối thoại những vấn đề “nóng” của Hà Nội

Hà Lê

Dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đề án cải tạo chung cư cũ; về quản lý vỉa hè lòng đường; về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xử lý dự án treo... là những vấn đề nóng của Hà Nội…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Ngày 9/8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì đối thoại với MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy Hà Nội tới 30 điểm cầu quận, huyện, thị xã với sự tham gia của 6.518 đại biểu MTTQ các cấp thành phố.

27 NỘI DUNG VÀ 4 NHÓM VÂN ĐỀ LỚN

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, cho biết để chuẩn bị cho hội nghị tiếp xúc, đối thoại, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các thành viên Hội đồng tư vấn và đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp. Kết quả tổng hợp có 27 nội dung thuộc 4 nhóm vấn đề lớn.

Một là, các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh như việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị, việc đảm bảo quyền lợi cho người dân tại các khu chung cư, công tác phòng cháy, chữa cháy, vấn đề thiếu trường lớp, quản lý, vận hành các công viên, khu vui chơi công cộng; việc xử lý các dự án “treo”; vấn đề lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; tiến độ thực hiện dự án các tuyến đường Vành đai, đặc biệt là đường Vành đai 4…

Hai là, các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vấn đề sửa đổi Luật Thủ đô, công cuộc phòng chống tham nhũng, việc giải quyết các đơn thư, khiếu nại tố cáo, công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính...

Ba là, các vấn đề về công tác cán bộ, thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao như việc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch và xử lý cán bộ; việc cải cách tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đề xuất tạo điều kiện về chỉ tiêu biên chế cán bộ Mặt trận.

Bốn là, vấn đề về công tác dân tộc, tôn giáo như việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số và công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, cơ sở tôn giáo được xếp hạng.

NHỮNG VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM ĐƯỢC GIẢI ĐÁP

Dành nhiều thời gian trao đổi, giải đáp những vấn đề trọng tâm mà đại biểu quan tâm, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn thành phố nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc. Mọi hành động và việc làm đều hướng tới vì lợi ích chính đáng của nhân dân, dựa vào nhân dân để triển khai các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Có như vậy mới có được sự đồng thuận của nhân dân và có sự đồng thuận, có hợp lòng dân thì mới thành công.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị

Đề cập đến câu hỏi của đại biểu về tình hình triển khai thực hiện Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô liên quan đến việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong diện thu hồi đất, Bí thư Thành uỷ cho biết trong quá trình triển khai, thành phố đã rà soát kỹ lưỡng nguồn gốc đất đai, kiểm đếm tài sản trên đất, nhất là đối với các thửa đất còn chưa chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục, pháp lý, pháp nhân; các thửa đất có nhiều hộ gia đình sinh sống; các khu mộ tổ, mộ vô chủ, mộ chưa cải táng… để từ đó đưa ra những chính sách bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân…

Liên quan đến chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè của thành phố, Bí thư Thành ủy khẳng định chủ trương cho thuê vỉa hè, lòng đường là việc sẽ làm và các quận cũng đang rà soát nghiên cứu nhưng giờ chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện. Bởi vì muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè phải có đủ căn cứ pháp lý. Hiện TP Hà Nội đang yêu cầu các quận tổ chức thiết kế đô thị, lấy ý kiến Nhân dân. Theo quy trình, khi lấy ý kiến Nhân dân, có sự đồng thuận mới triển khai.

Mặt khác, việc đưa ra chính sách cho thuê lòng đường, vỉa hè một cách vội vã lúc này là không ổn. Lòng đường, vỉa hè gắn bó mật thiết với đời sống Nhân dân Thủ đô, ăn uống vỉa hè đã là thứ văn hóa lâu đời, cách làm cũ theo kiểu cứ ra quân truy đuổi, dọn dẹp vỉa hè không đạt được hiệu quả cao và vững chắc. Do đó, việc quản lý lòng đường, vỉa hè cần thiết phải tổ chức lại. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương mới phải làm rất kỹ lưỡng, có sự đồng thuận cao của Nhân dân và phải chọn thời điểm phù hợp…

GIẢI ĐÁP BĂN KHOĂN VIỆC SÁP NHẬP QUẬN HOÀN KIẾM

Trả lời những băn khoăn của người dân về chủ trương, quan điểm của thành phố trong việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm - bởi đây là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có bề dày truyền thống về văn hóa, lịch sử, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ sớm ban hành Chỉ thị về việc triển khai sắp xếp này.

Thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Tinh thần là Hà Nội thực hiện nghiêm quy định của Trung ương. Việc sắp xếp này là công việc quan trọng, có tác động lớn đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tâm tư, tình cảm của nhân dân. Do đó phải được tổ chức thận trọng, khoa học, kỹ lưỡng, nhất là phải xem xét cả các yếu tố về vị trí trọng yếu quốc phòng, an ninh, đặc điểm truyền thống, lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt, tốc độ phát triển đô thị của thành phố Hà Nội để đề xuất phương án phù hợp.

Thành phố sẽ rà soát, thống kê theo ba tiêu chí, trong đó có hai tiêu chí cứng về diện tích, dân số và một tiêu chí về các điều kiện đặc thù như nêu ở trên. Từ hai tiêu chí cứng sẽ đưa ra được danh sách các đơn vị cần sắp xếp, sau đó áp dụng tiêu chí 3 để đề xuất phương án cụ thể. Trong quá trình sắp xếp quận Hoàn Kiếm, Thành ủy sẽ xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện; đặc biệt là về các yếu tố đặc thù về văn hóa, truyền thống lịch sử...

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định hiện nay, Hà Nội có một đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

 

Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen 20 cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động thực hiện dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô; Đợt thi đua cao điểm kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”; Có thành tích xuất sắc trong tham gia góp ý vào Luật Đất đai (sửa đổi) và hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).