08:00 31/12/2020

Biến bê tông thành mảng xanh giữa trời

Nguyễn Hoài

Trồng cổ thụ phía trên phòng ngủ, ở ban công lô gia và mái nhà luôn rực rỡ cỏ, hoa; những dự án nhà ở, resort hay biệt thự kiểu này đang trở thành xu hướng

Lấy 1 mét vuông đất, trả lại 5 mét vuông cây xanh
Lấy 1 mét vuông đất, trả lại 5 mét vuông cây xanh

Trồng cổ thụ phía trên phòng ngủ, ở ban công lô gia và mái nhà luôn rực rỡ cỏ, hoa; những dự án nhà ở, resort hay biệt thự kiểu này đang trở thành xu hướng và đạt tốc độ chốt đơn hàng đứng đầu thị trường.

Theo các chuyên gia, tại các thành phố lớn trên thế giới, tỷ lệ không gian xanh/toàn đô thị (green space), chỉ tính vườn cây, công viên và không tính quảng trường phải lên tới 40% - 50%, riêng Moscow 54%.

CÂY XANH KHÔNG PHẢI THỨ ĐỂ CHƠI 

Còn theo WTO, "chỉ số đáng sống" cây xanh/đầu người tối thiểu phải là 9m2, tối đa là 10 - 15m2 (xem biểu đồ), ở Viên (Áo), tỷ lệ này là 120m2. Tokyo là thành phố chật chội, mặc dù chỉ số trên chỉ 3m2 nhưng người dân rất biết cách duy trì mảng xanh. Chỉ cần khe hở giữa 2 ngôi nhà, họ sẽ chèn vào đó một vài cây hoặc dây leo xanh ngắt.

Khoảng 10 năm gần đây, ở nội thành Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, những khoảng trống từng là nhà máy, xí nghiệp, hồ nước, sân bóng, đất nông nghiệp xen kẽ, vội vã biến thành từng ô, hộp hàng chục tầng ken đặc. Quan sát từ máy bay hoặc đứng ở các nhà cao tầng nhìn xuống, trên các mái nhà dự án, nhà dân phủ tôn đỏ quạch hoặc xanh lét, trông xa như tấm vải vá chằng vá đụp mà đáng lẽ ở các nước phát triển, chúng được phủ xanh. Bởi vậy, vào những ngày cao điểm nắng nóng, nền nhiệt Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh bị đẩy tăng thêm 3 - 5 độ C. Điều này là khó tránh khi mà theo Bộ Xây dựng, chỉ số green space ở Hà Nội chỉ 0,9m2.

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam phân tích, sự bức hại môi trường sống ngoài việc trả giá đắt về thẩm mỹ thì cùng đó, để hạ thấp nền nhiệt, đành phải sử dụng điều hoà. "Dùng điều hoà hạ nhiệt trong nhà nhưng cục nóng lại phả sang nhà khác và môi trường bên ngoài, tạo thành vòng luẩn quẩn", ông Đức nói.

Biến bê tông thành mảng xanh giữa trời - Ảnh 1.

Mái nhà được phủ cỏ và hoa.

Chục năm trước, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cùng nhóm cộng sự đã đưa ý tưởng phủ cây xanh xung quanh và trên mái nhà các công trình. Dù là nhà dân hay cộng đồng, Võ Trọng Nghĩa đều thuyết phục chủ đầu tư hy sinh một phần diện tích và tận dụng khoảng trống để đan mảng xanh vào đó. Những công trình này đã mang về cho nhóm Võ Trọng Nghĩa cả chục giải thưởng quốc tế danh giá.

Ông Ngô Doãn Đức nhận xét: các chủ dự án lớn như Flamingo Đại Lải Resort mới thực sự tiên phong và nhất quán theo đuổi xu hướng xanh hoá những bản vẽ tưởng chỉ nằm trên giấy. Họ hy sinh một phần rất lớn diện tích đất khai thác thương mại để nhường chỗ cho cây xanh. Trong số 1,23 triệu m2 của Flamingo Đại Lải Resort, mật độ xây dựng chỉ chiếm 9%, phần chủ yếu là rừng cây, mặt nước, hệ thống giao thông, sân chơi phủ cây cỏ...

Gần đây, một số tập đoàn khác đã tiếp cận một cách mạnh mẽ xu hướng này như Sun Group và Ecopark, họ nâng tỷ lệ green space lên ở mức rất cao mà JW Marriott Phú Quốc của Sun Group là một điển hình.

"Ngày xưa, cây xanh là thứ để chơi nhưng bây giờ là hiệu quả, ngoài thẩm mỹ thì còn lọc bụi, lọc chất độc và hạ nhiệt môi trường sống", kiến trúc sư Đức nói.

KỸ THUẬT GIẢI QUYẾT MỌI NỖI LO 

Khảo sát toà nhà Forest In The Sky trong không gian Flamingo Đại Lải Resort và Cát Bà cho thấy, phần tường bê tông gần như chỉ lấp ló và lẫn vào mảng xanh tựa rừng cây, thảm cỏ thẳng đứng giữa trời.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng nhóm Giám sát duy tu cảnh quan Flamingo Đại Lải Resort cho biết, toà nhà nói trên cao 11 tầng nhưng cả 4 phía và trên mái đều phủ kín cây. Có tới 500 loài với hơn 70 nghìn cây xanh. Trong đó, rất nhiều cây lưu niên bóng mát, cổ thụ, thảm cỏ và khoảng 200 loài hoa.

Để duy trì sự sống cho bạt ngàn cỏ cây ở đó mà tỷ lệ chết gần như 0%, chúng được khép kín trong một chu trình từ cây giống, giá thể, phòng trừ côn trùng gây hại đến chăm sóc kỹ lưỡng nhưng không làm tăng chi phí quá mức cho dự án.

Theo đó, các loài cây tại đây chủ yếu là giống bản địa, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, độ ẩm địa phương. Gần đây, tập đoàn áp dụng một số biện pháp kỹ thuật bổ sung một lượng lớn cây, hoa ở vùng miền khác như mai địa thảo, ngọc thảo, tam giác mạch, cúc hoạ mi, cúc bướm, đỗ quyên, nguyệt quế và cả cây quý như thiên tuế.

Để phòng trừ sâu, côn trùng gây hại, thay vì phun xịt các loại hoá chất hoặc kích thích sinh trưởng, các kỹ sư tập trung tạo môi trường sống hết sức tự nhiên. Họ trồng chuối và các loại cây ăn quả có hạt thu hút chim chóc, sóc về để diệt sâu bọ; tạo hồ nước tĩnh lặng để dẫn dụ hàng chim cốc và muông thú khác diệt rắn, rết.

Với cách tiếp cận như vậy, các dự án của Flamingo đã tạo nên hệ sinh thái xanh gần gũi nhưng rất đặc biệt. Khách vãng lai và lưu trú rất ngạc nhiên khi nhiều cổ thụ lưu niên như thiên tuế, khế, lộc vừng… chiều cao cả chục mét nằm ngay phía trên phòng ngủ; còn phía dưới là giường với điều hoà, điện sáng long lanh mà không cảm thấy bất an vì côn trùng hay thấm dột, nứt rạn. Hoặc, hầu hết mái bằng biệt thự đều phủ xanh bằng các loại cỏ Nhật bản và cây hoa giấy, dâm bụt… và nếu quan sát từ trên cao chỉ còn lại một mảng xanh khổng lồ với hoa cỏ rực rỡ hệt công viên dưới mặt đất.

Biến bê tông thành mảng xanh giữa trời - Ảnh 2.

Thiên nhiên tĩnh lặng, dẫn dụ thiên địch tiêu diệt sinh vật có hại.

Trồng cây thì phải tưới nước và các chế phẩm vi sinh nhưng xử lý với rủi ro thấm dột nứt sàn như thế nào? Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình nói: "Ngày xưa làm nhà lợp mái, hay đổ mái bằng do trình độ kỹ thuật non thì mới lo thấm dột chứ bây giờ áp dụng các kiến thức mới trong xây dựng, vấn đề này chẳng đáng ngại".

Theo ông, để khắc phục thấm dột, khi đổ mái trên cùng, phải đánh dốc cao độ từ điểm đầu đến điểm thoát sàn khoảng 3 - 5cm. Tiếp đó, làm phẳng, lót sơn chống thấm rồi làm phẳng lần nữa bằng xi măng mác cao. Trên bề mặt, kiến trúc sư đặt các tấm vỉ thoát sàn dày 2 - 2,5 cm, có sức chịu đựng tới cả trăm tấn/m2. Trên bề mặt vỉ thoát sàn là lớp vải địa ngăn đất, cặn rơi xuống làm tắc cống, sau đó mới đổ giá thể để trồng.

Đặc biệt, với những cây xanh lưu niên cao 5 - 10 mét trồng ở bồn (thể tích khoảng 1 m3) cấy vào lô gia hay ban công, các kỹ sư phải trồng thử nghiệm vào bồn dưới mặt đất nhằm kiểm tra sức chịu lực của bồn trước công phá của bộ rễ cây trong quá trình sinh trưởng, sau đó mới mang lên trồng ở công trình. Đồng thời, các mặt đứng phía trong vẫn phải xử lý chống thấm và đặt một lớp vỉ thoát sàn thẳng đứng để rễ cây không công phá vào vách và nước thoát đi nhanh hơn.

Đó là lý do vì sao các bồn cây lưu niên treo lơ lửng giữa vách đứng trong không trung nhưng không bao giờ nứt rạn, gây mất an toàn cho công trình.

Sau khi Flamingo Đại Lải Resort đưa vào vận hành và gây ấn tượng mạnh trên thị trường và giới kiến trúc trong nước và quốc tế, khá nhiều chủ đầu tư tìm đến tìm hiểu và đã được Công ty cổ phần Kiến trúc Flamingo (đơn vị thuộc tập đoàn) với đội ngũ hơn 60 kiến trúc sư chia sẻ tận tâm. Tuy nhiên, không nhiều trong số đó theo đuổi vì họ cho rằng quá khó để thực hiện.

Theo ông Nguyễn Thượng Quân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Kiến trúc Flamingo (thuộc tập đoàn Flamingo), xét cho cùng, xanh không chỉ mỗi cây mà còn là sự tinh tế trong từng chi tiết nhỏ. "Sống xanh nghĩa là sống sang trọng giữa thiên nhiên, là cách để mỗi người tận hưởng tinh túy, ngọt lành của đất trời nhưng phải hòa nhịp với sự hiện đại của cuộc sống. Đây cũng là nguồn cảm hứng xuyên suốt các thiết kế kiến trúc và dịch vụ nghỉ dưỡng của Flamingo, trong đó Forest In The Sky là thiết kế ấn tượng nhất", ông Nguyễn Thượng Quân nói.

ĐỪNG NGẮT ĐOẠN TRONG TÍNH TOÁN CHI PHÍ

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức đánh giá: đa phần cho rằng trồng cây trên ban công, lô gia, sân thượng công trình là tốn kém nhưng nếu đặt câu chuyện này trong tổng thể bài toán đầu tư thì lợi ích thu được rất lớn, kể cả lợi nhuận.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bình, để tiết giảm trong đầu tư, cây trồng hầu hết là cây bản địa, dễ tìm, ít sâu bệnh và cho tỷ lệ sống gần 100%, giá mua thấp; nhờ đó, chi phí bảo trì và thay thế cây chết rất thấp. Thực tế cho thấy, ở Flamingo Đại Lải, Cát Bà hay khu JW Marriott Phú Quốc đều hầu hết là cây bản địa.

Để ngăn ngừa một số trường hợp cây gặp sâu bệnh, dự án tự chế các chế phẩm sinh học phổ biến như dung dịch ớt, tỏi, gừng, bạc hà…

Ngoài ra, hoạt động vệ sinh, giữ môi trường xanh sạch được duy trì thường xuyên, không tạo điều kiện thuận lợi để côn trùng có hại phát triển. Mặt khác, đội xử lý côn trùng thường xuyên tuần tra, phát hiện loài lạ, có hại và xử lý sớm.

Song song, dự án cũng trồng các loại cây cho quả ngọt như chuối, mít, sung, hoa quả để dẫn dụ chim, sóc ăn sâu bọ; tạo cảnh quan mặt nước rộng thoáng và yên tĩnh, lôi kéo bìm bịp và một số loài chim, thú nhỏ khác hay ăn các loại rắn nhỏ, rết.

Năm 2019, Forest In The Sky vượt qua 192 công trình dự thi từ 37 nước để đoạt giải "Toà nhà xanh được yêu thích nhất" (Green Solution Award 2019), do Construction 21 tổ chức. Construction 21 quy tụ gần 33 nghìn kiến trúc sư danh tiếng; 70 nghìn người theo dõi/năm; 2.000 nghiên cứu thực tế; 7 triệu người đọc trên website và 12 nghìn lược theo dõi qua Twitter.

Nguồn: Tập đoàn Flamingo

Một chuyên gia môi trường cho biết, Việt Nam chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, càng phải sử dụng nhiều cây xanh mặt nước để giảm nhiệt. Việc đầu tư vào mảng xanh hồ nước, tưởng là đẩy cao chi phí nhưng thực ra rất hiệu quả về mặt tài chính.

Theo ông, khi mảng xanh và khoảng thở được bố trí hợp lý, khách hàng cao cấp sẽ chốt nhanh hợp đồng, đẩy thanh khoản dòng tiền lên cao hơn. Một thực tế ở Flamingo Đại Lải Resort cho thấy, tốc độ chốt đơn hàng với giá tốt của các sản phẩm mới gần như đứng đầu thị trường. Đó là lý do vì sao các kiến trúc sư luôn khuyên các chủ dự án lớn không ngắt đoạn khi tính toán chi phí cây xanh mà phải đặt nó trong tính toán tổng thể chi phí/lợi nhuận thu được của cả dự án, tổ hợp.

Một lợi ích nữa, theo tính toán của các chuyên gia, mảng xanh và mặt nước sẽ hạ thấp nhiệt độ môi trường sống trong khuôn viên dự án từ 3 – 5 độ C, đồng thời, lọc các loại bụi mịn, hoá chất độc hại lơ lửng rất hiệu quả. Nhờ đó, giảm mức tiêu hao và tiết kiệm chi phí năng lượng điện ở các toà nhà, trả lại không khí trong lành cho cư dân.

Theo kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, không chỉ ở nơi có không gian lớn mới chú trọng mảng xanh mà ngay cả các dự án nội đô, kể cả nhà dân càng phải tăng cường phủ xanh trên mái và các mặt đứng. "Lấy đi một mét đất làm công trình, xây nhà thì phải trả lại ít nhất một mét xanh cho không gian. Điều này nên được luật hoá ngay từ khi cấp phép xây dựng", ông Đức nói.

Tại Flamingo Đại Lải Resort, nhờ những ứng dụng kiến trúc xanh độc đáo, đã giúp tiết kiệm 42% năng lượng, 22% nguồn nước, giảm 36% năng lượng tự thân của nguyên vật liệu nhờ ưu tiên sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường (Nguồn: Tập đoàn Flamingo).