Biến chứng nguy hiểm bệnh thiếu máu cơ tim
Trước đây, thiếu máu cơ tim là bệnh thường gặp ở tuổi trung niên nhưng gần đây, nhiều người trẻ tuổi cũng mắc phải căn bệnh này. Nếu không được điều trị tốt, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim đe dọa trực tiếp tới tính mạng.
Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim chủ yếu là do động mạch vành cung cấp máu cho tim bị tắc hẹp, làm giảm lưu lượng oxy và dưỡng chất tới nuôi tim. Theo Gs. Phạm Gia Khải - Nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, có thể giảm kích thước mảng xơ vữa giúp lòng động mạch rộng ra và cải thiện lưu lượng máu tới tim. Tuy nhiên để làm được điều đó đòi hỏi sự kiên trì ở những người mắc bệnh và nỗ lực kiểm soát chế độ ăn uống, tập luyện.
Nhận biết sớm triệu chứng Những cơn đau thắt ngực là biến chứng cấp tính nguy hiểm của bệnh thiếu máu cơ tim. Nhận biết sớm triệu chứng có ý nghĩa sống còn với bệnh nhân. Dưới đây là 2 thể thường gặp: + Thể không có đau ngực (thiếu máu cơ tim thầm lặng): Thể này thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường hay người cao tuổi đã mắc bệnh tim hoặc ở người có ngưỡng chịu đau cao. Vì không đau ngực nên bệnh chỉ được phát hiện khi được làm điện tâm đồ. Đây là lý do khiến người bệnh dễ bị nhồi máu cơ tim hoặc tử vong đột ngột. + Thể có đau ngực: Cơn đau thắt ngực điển hình của thiếu máu cơ tim có 2 dạng: Ổn định và không ổn định. Cơn đau thắt ngực ổn định thường xuất hiện khi gắng sức, xúc động mạnh hoặc dưới thời tiết quá lạnh... và giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc giãn mạch vành. Ngược lại, ở cơn đau thắt ngực không ổn định, biểu hiện đau xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Tần suất các cơn đau cũng không cố định, có thể vài tuần, vài tháng một lần hoặc vài lần trong ngày nếu bệnh trở nặng. Thời gian cũng thay đổi từ vài giây đến vài phút và thường không quá 5 phút. Nhưng nếu cơn đau kéo dài 15-20 phút thì phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim và có biện pháp cấp cứu ngay. Cách điều trị thiếu máu cơ tim Để đạt được mục tiêu chữa trị, người bệnh thiếu máu cơ tim phải sử dụng và phối hợp nhiều loại thuốc như: nhóm Statin, nhóm thuốc chống huyết khối (cục máu đông), nhóm thuốc chẹn beta và thuốc giãn mạch nhanh, các thuốc hạ đường huyết phù hợp (nếu mắc kèm bệnh tiểu đường). Với bệnh nhân thiếu máu cơ tim nặng hoặc bị hội chứng mạch vành cấp tính (mảng xơ vữa nứt vỡ gây cục máu đông) mà điều trị nội khoa không đáp ứng thì những biện pháp can thiệp, phẫu thuật (Nong mạch hoặc đặt stent mạch vành, Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành) là giải pháp tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống tích cực đóng một vai trò quan trọng với những người mắc bệnh tim mạch nói chung và bệnh thiếu máu cơ tim nói riêng trong quá trình chữa bệnh và phòng ngừa những biến chứng không mong muốn. Người bệnh thiếu máu cơ tim, khi ăn uống cần lưu ý những điều sau: + Hạn chế mỡ động vật, thực phẩm giàu cholesterol, chất béo bão hòa. +Giảm muối.
+ Bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên cám. Đồng thời, lối sống tích cực giúp giảm 50% các triệu chứng thiếu máu cơ tim, theo khuyến cáo từ các chuyên gia tim mạch: + Bỏ thuốc lá và tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, … + Vận động, tập thể dục đều đặn. + Duy trì cân nặng hợp lý + Học cách giải tỏa căng thẳng khi đối mặt với những áp lực trong cuộc sống + Điều trị tốt những bệnh liên quan như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao… Việc tập thể dục không chỉ kích thích các thụ thể enzym tiêu mỡ, giảm đường huyết, mà còn kích hoạt tuần hoàn bằng hệ mạch vành phát triển. Người bệnh có thể giảm thiểu được rất nhiều rủi ro khi bị thiếu máu cơ tim cục bộ, nhồi máu cơ tim cấp hoặc khi mạch vành bị tắc hẹp nặng.