Biểu tình phản đối cải cách hưu trí có ảnh hưởng đến ngành hàng xa xỉ Pháp?
Bất chấp các cuộc đình công đầy giận dữ trong những tuần qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn đặt bút ký thành luật các cải cách hưu trí. Các công đoàn Pháp kêu gọi "thủy triều" biểu tình vào Ngày Quốc tế lao động tới…
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, ông Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình trước người dân Pháp vào tối nay (17/4). Trong khi đó, các nghiệp đoàn lao động Pháp đã từ chối đề nghị đối thoại và tuyên bố cuộc đấu tranh vẫn chưa kết thúc. Họ phát động Ngày đình công và tuần hành thứ 13 vào ngày 28/4 và đặc biệt là kêu gọi toàn thể người dân Pháp hưởng ứng tham gia Ngày quốc tế lao động 1/5 tới để tạo ra “Cơn sóng thần nhân dân”.
ÔNG BERNARD ARNAULT ĐƯỢC NHẮC TÊN…
Hàng loạt cuộc biểu tình tự phát đã đồng loạt diễn ra trên khắp nước Pháp, nhất là tại trung tâm thủ đô Paris và thành phố Rennes, một số trung tâm thương mại đã bị đập phá hôi của. Thậm chí, những người biểu tình đã xông vào trụ sở của tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH tại 22 Avenue Montaigne ở Paris vào thứ Năm tuần trước. “Chúng tôi đến một cách hòa bình để đưa ra một ý tưởng với chính phủ: hãy tìm kiếm tiền để tài trợ cho lương hưu. Hãy lấy nó từ túi của các tỷ phú, bắt đầu với Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LVMH Bernard Arnault,” Fabien Villedieu, đại diện của liên đoàn Sud-Rail, nói với kênh tin tức BFMTV của Pháp.
Theo tờ Wall Street Journal, một đoạn video ghi lại cảnh một đám đông vẫy pháo sáng và biểu ngữ khi họ tràn qua lối vào trụ sở của đế chế thời trang. Một video khác cho thấy đám đông đang đi thang cuốn lên khu vực tiếp tân dẫn lên các tầng cao hơn, nơi đặt văn phòng của ông Bernard Arnault, cùng với các giám đốc điều hành cấp cao khác. Người biểu tình sau đó đã rời đi một cách hòa bình, Reuters cho biết, trong khi tập đoàn LVMH từ chối bình luận.
Tuần trước, những người biểu tình đã xông vào văn phòng ở Paris của công ty đầu tư BlackRock có trụ sở tại Hoa Kỳ. Cuộc biểu tình hôm thứ Năm đã chứng kiến mọi người diễu hành từ Place de l'Opéra đến Bastille, qua Rue de Rivoli. Cảnh sát khuyến cáo các doanh nghiệp tạm thời đóng cửa các cửa hàng dọc tuyến đường.
Cửa hàng bách hóa La Samaritaine thuộc sở hữu của LVMH đã đóng cửa lối vào Rue de Rivoli khi đoàn diễu hành đi qua, cửa hàng bách hóa BHV cũng vậy. Người biểu tình dán nhãn công đoàn lên mặt tiền bằng kính của La Samaritaine. Trên Twitter, nhà báo Louis Pisano đã đăng một bức ảnh cửa hàng Mango bị vỡ cửa sổ và dán nhãn graffiti có nội dung “công bằng xã hội”. Mango cũng từ chối bình luận.
Việc những người biểu tình xông vào trụ sở chính của LVMH diễn ra một ngày sau khi tập đoàn xa xỉ này cho biết doanh thu quý đầu tiên đã tăng 17% lên 21 tỷ euro, một bước tiến lớn khiến giá cổ phiếu tăng 5,5% vào cuối phiên giao dịch ngày thứ Năm. Giá trị vốn hóa thị trường của LVMH đã vượt qua 440 tỷ euro và ông Arnault trở thành người giàu nhất thế giới tính đến ngày 4/4/2023, theo Forbes.
…VÀ SỰ TỰ TIN CỦA LVMH
Vụ việc này đủ để khiến dư luận đặt câu hỏi liệu ngành hàng xa xỉ có chịu ảnh hưởng? Theo Business of Fashion, luôn có một lời nhắc nhở rằng thời kỳ tốt đẹp có thể không kéo dài: lãi suất tăng, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút và sự sụp đổ đột ngột của đà phục hồi của thị trường chứng khoán sau đại dịch vào năm ngoái đã đặt dấu hỏi về đà tăng trưởng của ngành hàng xa xỉ. Sau đó là những cú sốc, từ việc Nga xâm lược Ukraine đến việc Trung Quốc phong tỏa. Và bây giờ, các cuộc biểu tình của Pháp.
Hình ảnh những người biểu tình đụng độ với cảnh sát, hỏa hoạn trên đường phố và những đống rác trên vỉa hè do đình công có thể được coi là một đòn giáng mạnh vào những thương hiệu xa xỉ của Pháp – những nhà mốt với triết lý kinh doanh dựa trên phồn hoa của Paris và sở hữu những cửa hàng flagship store tại các tuyến đường đông du khách. Tuy nhiên, theo Business of Luxury, LVMH đã có cách dọn đường trước cho mình với việc chia sẻ rất nhiều hình ảnh và hoạt động đóng góp cho xã hội.
Trong buổi thuyết trình thu nhập hàng năm của tập đoàn vào cuối tháng 1 vừa qua, tỷ phú Arnault đã nhấn mạnh vào “dấu ấn kinh tế và xã hội to lớn của LVMH ở Pháp”. Tập đoàn đã tuyển dụng 15.000 người ở Pháp vào năm 2022, trở thành nhà tuyển dụng hàng đầu trong nước và nâng tổng số lực lượng lao động Pháp lên 40.000 người. “Ở Pháp, một công việc do LVMH tạo ra sẽ tạo ra bốn công việc với các đối tác và nhà cung cấp của chúng tôi, vì vậy 160.000 người ở Pháp làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp cho LVMH”, ông Arnault nói và thông tin thêm: “Mỗi năm, chúng tôi trả 5 tỷ euro tiền thuế doanh nghiệp trên toàn thế giới, một nửa trong số đó ở Pháp. Hơn 1 tỷ euro được đầu tư vào Pháp mỗi năm…”.
Giới truyền thông thì cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp có thể tạo nên tác động tiêu cực trong thời gian dài. Sự bất mãn với Tổng thống Pháp Macron là cơ hội cho các đảng khác như Đảng cực hữu National Rally do Marine Le Pen dẫn dắt, đảng có chính sách ít thân thiện hơn với những công ty kinh doanh xa xỉ phẩm. Nhưng các nhà đầu tư hiện tin tưởng vào khả năng LVMH có thể vượt qua chướng ngại: rõ ràng cổ phiếu không hề giảm xuống từ khi các cuộc biểu tình diễn ra vào hôm thứ Năm và và vẫn tiếp tục tăng lên mức kỷ lục vào sáng thứ Sáu.
LVMH cho biết, mặc dù đang sống trong tâm bão của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, doanh số bán hàng cho các khách hàng địa phương ở Pháp hiện đang tăng trưởng ở mức hai con số. Ngoại trừ các cuộc biểu tình đã được cảnh sát giám sát, cuộc sống hầu như vẫn diễn ra như thường lệ ở Pháp, với hầu hết mọi người làm việc, ăn uống, tiệc tùng — và mua sắm — như bình thường.
Chỉ một ngày sau khi người biểu tình xông vào trụ sở, LVMH đã xúc tiến kế hoạch tổ chức một show diễn của Jay-Z, được tài trợ bởi Tiffany & Co. thông qua một quỹ nghệ thuật. Một nguồn tin của LVMH đã nhấn mạnh rằng, đây không phải là một buổi biểu diễn riêng tư, mà dành cho công chúng, những người đã đặt vé trực tuyến. Có thể nói, LVMH tự tin vào khả năng tiếp tục điều hướng các thương hiệu của tập đoàn, bất chấp một thế giới bị chia rẽ.