Bình Dương cần linh hoạt thủ tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị tỉnh Bình Dương cần đẩy nhanh hơn những chính sách hỗ trợ, rà soát không để sót đối tượng, đồng thời linh hoạt các thủ tục để người dân, doanh nghiệp không phải chờ đợi quá lâu…
Đoàn công tác Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương về công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 14.350 đơn vị, doanh nghiệp với số lượng hơn 1 triệu lao động (tạm tính) được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (12 tháng) với số tiền hơn 393,3 tỷ đồng, hiện đã cơ bản hoàn thành.
Bên cạnh đó, đã hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 49 doanh nghiệp, số lượng 17.673 lao động với số tiền hơn 161,8 tỷ đồng. Hỗ trợ 186.507 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền hơn 689 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ cho 1.990 người lao động ngừng việc bị cách ly y tế hoặc trong khu phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; hỗ trợ 12.282 đơn vị sử dụng lao động giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 415 tỷ đồng. Tiếp nhận và phê duyệt hỗ trợ 248.244 hồ sơ và đã chi hỗ trợ 247.236 người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 576,93 tỷ đồng…
Ông Tuyên đánh giá, việc triển khai các gói hỗ trợ tại địa phương có thuận lợi nhưng cũng còn tồn tại. Chẳng hạn như, chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất chưa thu hút được người sử dụng lao động vay. Nguyên nhân do số tiền vay để chi trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động với mức cho vay thấp, thời gian ngắn. Để hạn chế việc chi hỗ trợ sai, hỗ trợ nhầm, tỉnh đã chỉ đạo Sở tiếp tục rà soát và kiểm tra chặt chẽ việc hỗ trợ.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng đánh giá, dù khó khăn nhưng Bình Dương vẫn triển khai nhanh, đồng bộ các gói hỗ trợ để đảm bảo an sinh cho người dân kịp thời.
“Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116 là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ. Một số gói hỗ trợ chưa phát sinh như đào tạo nghề, vay vốn do giãn cách nên chưa thực hiện được. Việc chi trả hỗ trợ cho người dân có nhầm lẫn nhưng không nhiều, chính quyền đã thu hồi kịp thời , không trục lợi, không thất thoát ngân sách nhà nước”, Thứ trưởng cho biết.
Ông cũng đề nghị, thời gian tới Bình Dương cần đẩy nhanh hơn những chính sách còn tồn đọng, rà soát không để sót đối tượng, đồng thời đẩy nhanh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, linh hoạt các thủ tục để người dân, doanh nghiệp không phải chờ đợi quá lâu.
Với thị trường lao động, Thứ trưởng cho rằng, Bình Dương là vùng kinh tế trọng điểm nên cần đánh giá thật kỹ mức độ thiếu lao động khi phục hồi, khảo sát ở các doanh nghiệp để nắm bắt số lao động, thiếu ngành nào…từ đó liên hệ với các địa phương để có giải pháp khắc phục, hỗ trợ an sinh thu hút lao động và đưa lao động trở lại…
Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, về tổng thể, Bình Dường đã cơ bản triển khai đồng bộ các gói hỗ trợ.
Riêng hai chính sách hỗ trợ tiền phòng trọ và hỗ trợ an sinh xã hội được triển khai rất nhanh và ấn tượng. Bình Dương đã tối giản toàn bộ thủ tục để hỗ trợ người dân có thể nhận tiền chỉ sau 3 ngày hoàn thiện hồ sơ, đây là một sự nỗ lực, cố gắng.
Theo ông Huy, thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần rà soát thông tin, dự báo chính xác về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để có hướng hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, cần tuyên truyền vận động người lao động đã về quê trở lại làm việc, kết nối với các địa phương để việc đưa lao động trở lại thuận tiện hơn, nhanh hơn.