Hơn 24 triệu đối tượng được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ
Theo báo cáo của 63 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố, đến nay tổng kinh phí thực hiện gói 26.000 tỷ trên toàn quốc đạt gần 21,89 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 24 triệu đối tượng...
Thông tin được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về triển khai Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ), Nghị quyết 126 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, chiều 15/10.
HƠN 24 TRIỆU ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, theo báo cáo của 63 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trên toàn quốc đến nay là gần 21,89 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, một số quy định vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, cơ quan này đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126, sửa đổi, bổ sung một số nội dung.
Trước hết, giảm điều kiện đối với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, điều kiện để tạm dừng đóng vào Quỹ là có số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bị giảm 10% (thay vì 15%) so với tháng 1/2021 (thay vì tháng 4/2021).
Đồng thời, Nghị quyết 126 cũng mở rộng đối tượng đối với nhóm chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc và chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người đối với đối tượng F0 hoặc F1 là người cao tuổi và người khuyết tật nặng. Bỏ điều kiện hộ kinh doanh có đăng ký thuế và quy định rõ việc hỗ trợ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế. Bỏ điều kiện về nợ xấu, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động tiếp cận chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã xây dựng dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, hiện Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tuần sau. “Quyết định sửa đổi sẽ tiếp tục đơn giản hóa quy trình thủ tục hồ sơ hơn nữa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng chính sách”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Đối với kết quả triển khai Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hiện đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng.
LẬP ĐOÀN KIỂM TRA GIÁM SÁT VIỆC CHI TRẢ
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, các chính sách hỗ trợ đã góp phần giúp người dân ổn định tương đối cuộc sống, thu nhập, khắc phục một phần khó khăn.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận một bộ phận chính sách chưa đến với người dân, “đâu đó có một số nhóm bị bỏ sót”, quá trình triển khai còn chậm, có điều tiếng phàn nàn, trong khi đời sống của một bộ phận người lao động ở các khu nhà trọ, lao động tự do, lao động ngoài khu công nghiệp còn rất vất vả, dẫn đến dòng người dịch chuyển về quê lớn như thời gian qua...
Trước những thực tế trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Nghị quyết 126 đã tháo gỡ căn bản những vướng mắc, dự kiến tuần tới khi có quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23 thì các địa phương cần nhanh chóng triển khai.
Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu cần quan tâm đến lực lượng lao động chấm dứt hợp đồng tạm hoãn hợp đồng nhưng không đủ điều kiện được hưởng các chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Một số đối tượng lao động tự do thuộc diện hỗ trợ nhưng chưa được hưởng chính sách cũng cần rà soát lại...
Trong tuần tới, Bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá việc triển khai Nghị quyết 68, đặc biệt là việc rà soát, lập danh sách, phê duyệt và chi trả hỗ trợ, bảo đảm việc thực thi chính sách công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, không để xảy ra trường hợp trục lợi chính sách.
“Việc kiểm tra một cách phù hợp, không ồn ào, không kéo đông người và sẽ đi vào những đơn vị còn vướng mắc để cùng tháo gỡ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Liên quan đến vấn đề khôi phục và phát triển thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu cần tập trung rà soát lại tình hình thiếu hụt, chuyển dịch lao động, cụ thể là “thiếu hụt bao nhiêu, lĩnh vực nào”, các địa phương kiến nghị giải pháp Bộ sẽ giải quyết, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ.
Trong đó, cũng cần chú ý đến nhóm giải pháp giữ chân người lao động, có chính sách chăm lo cho người lao động như: giảm giá điện, giá nước đến đảm bảo cuộc sống về lâu dài…