19:34 22/07/2021

Bình Dương huy động tổng lực để khống chế dịch

Giáp ranh với TP.HCM, lại có đông công nhân nên Bình Dương xác định dịch còn nhiều diễn biến phức tạp. Tỉnh đã tăng tốc chuẩn bị nhân lực, vật lực để chủ động ứng phó…

Tăng cường huy động người dân đi đến các điểm xét nghiệm sàng lọc.
Tăng cường huy động người dân đi đến các điểm xét nghiệm sàng lọc.

Ngày 22/7, Tổ công tác của Bộ Y tế đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đưa ra nhiều giải pháp, tư vấn để công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn hiệu quả hơn. Trong những ngày tới, chiến dịch đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng nên số ca nhiễm sẽ tăng. Địa phương phải sẵn sàng các tình huống đáp ứng dịch bệnh.

XÂY DỰNG KỊCH BẢN ỨNG PHÓ VỚI 20.000 CA NHIỄM

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Bình Dương, tính từ đợt dịch thứ 4 đến sáng ngày 22/7, tỉnh Bình Dương ghi nhận tổng cộng 4.783 ca mắc Covid-19. Trong số đó có 1.397 ca mắc phát hiện qua khám tại cơ sở y tế; 2612 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly. Có 1106 ca phát hiện trong khu phong tỏa; 382 ca trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa); 05 ca phát hiện tại chốt kiểm dịch.

Hiện tại có 11 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh với 3.290 bệnh nhân đang điều trị. Kết quả truy vết tại tất cả các ổ dịch ghi nhận 12.833 trường hợp F1, 33.723 trường hợp F2. Tổng số trường hợp hiện đang còn cách ly y tế tập trung là 11.945 trường hợp. Tổng số trường hợp đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú là 25.321 trường hợp.

Bình Dương giáp ranh với TP.HCM, lại có đông công nhân nên xác định dịch còn nhiều diễn biến phức tạp. Tỉnh đã tăng tốc chuẩn bị nhân lực, vật lực để sẵn sàng ứng phó.

Ngoài các cán bộ, nhân viên y tế tại chỗ thì đã có đông đảo y bác sĩ, sinh viên y khoa tình nguyện từ các tỉnh, thành đến hỗ trợ Bình Dương. Điển hình như: Đại học Y Hà Nội (350 người); Đại học Y Hải Phòng (108); Sở Y tế Bắc Giang (40); Sở Y tế Lào Cai (50); Sở Y tế Bình Phước (300)... Bình Dương đã có Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) và đang triển khai 1 Trung tâm ICU khác để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân nặng.

UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Trung tâm Cấp cứu hồi sức tích cực điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng tại cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa Bình Dương. Sở Y tế Bình Dương đã xúc tiến với 3 công ty cung ứng oxy khối lượng lớn cho tỉnh. Lượng oxy đó sẽ đáp ứng cho việc điều trị các ca nhiễm. Địa phương cũng đã thành lập được 5.788 tổ Covid-19 cộng đồng và 7.974 tổ an toàn Covid-19 tại doanh nghiệp.

Từ quá trình bám sát địa bàn, thông qua việc đẩy mạnh xét nghiệm, Tổ công tác Bộ Y tế nhận định số ca nhiễm còn tăng nhiều trong những ngày tới. Tỉnh Bình Dương cần khẩn trương chuẩn bị kế hoạch đáp ứng với tình huống có 20.000 ca nhiễm Covid-19.

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), thành viên Tổ công tác đánh giá, hiện nay Bình Dương có một số địa phương đã ghi nhận nguy cơ rất cao. Cụ thể như: TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An, TP. Dĩ An và các thị xã Tân Uyên, Bến Cát và thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Cần nhanh chóng tách hết F0 ra khỏi cộng đồng.

Từ các ý kiến, nhận định của Tổ công tác Bộ Y tế, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Bộ Y tế đã hỗ trợ rất nhiều, tỉnh sẽ chỉ đạo ngay việc xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống có đến 20.000 ca nhiễm. Cùng với đó, quyết tâm cao nhất để ngăn chặn việc lây lan rộng ra cộng đồng. Việc mở rộng xét việc thông qua việc test nhanh kháng nguyên với xét nghiệm PCR sẽ được triển khai nhanh, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

BỔ SUNG TEST NHANH ĐỂ XÉT NGHIỆM SÀNG LỌC DIỆN RỘNG

Theo Tổ công tác của Bộ Y tế cũng như lãnh đạo tỉnh Bình Dương, cùng với dập dịch, khống chế lây lan thì sẽ đẩy mạnh tiêm chủng khi có vaccine ngừa Covid-19.

4 đợt tiêm chủng vừa qua, Bình Dương đã tiêm được cho 67.417 người (trong đó: 63.370 người mũi 1, 4.115 người tiêm mũi 2) và đang chuẩn bị tiêm đợt tới. Tổ công tác Bộ Y tế tư vấn cho địa phương: tiêm khẩn trương cho lực lượng tuyến đầu; các cơ sở y tế; người có nhiều bệnh nền; khu vực có nguy cơ cao… Các khu vực tiêm có bác sĩ, xe cấp cứu để đáp ứng việc tiêm chủng an toàn.

Trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19, sự đồng lòng, hợp sức của cộng đồng là yếu tố quan trọng. Vì vậy, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) đã đưa ra nhiều giải pháp truyền thông chống dịch để người dân hiểu rõ chiến lược chống dịch và ủng hộ các biện pháp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Bình Dương và các ban, ngành của tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế hàng ngày cần tăng cường thông tin về diễn biến chống dịch tại địa phương để tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân.

Các hướng dẫn, các quy đinh về phòng, chống dịch lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân phải được phát đi thường xuyên từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Bình Dương…

Cùng với thông tin từ địa phương, cần truyền thông các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, của Bộ Y tế để mọi tầng lớp nắm bắt kịp thời. Tỉnh cần có các tài liệu truyền thông gắn với thực tế của Bình Dương để hướng dẫn cụ thể cho người dân hiểu sẽ thực hiện tốt và đồng lòng cùng chính quyền.

Từ thực tế diễn biến dịch ở Bình Dương, Tổ công tác Bộ Y tế cũng đề xuất Bình Dương sớm mua bổ sung test nhanh để kịp thời triển khai xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng. Các đơn vị cần vận chuyển mẫu tối thiểu 2-3 lần/ ngày về phòng xét nghiệm, tránh ùn ứ mẫu xét nghiệm, không trả kết quả kịp thời.

Các đơn vị tuyến huyện cần thực hiện đúng quy trình lấy mẫu, đặc biệt là cách thức mã hóa, danh sách thông tin về những người được lấy mẫu đầy đủ, có số điện thoại của người được lấy mẫu…

Chính quyền xã phường chuẩn bị tốt, sẵn sàng cho các đội xuống lấy mẫu tại địa phương. Trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ, đặc biệt là khẩu trang N95 cho những người phục vụ trong khu cách ly tập trung. Xét nghiệm hàng tuần cho người phục vụ khu cách ly (nếu đủ test có thể làm 3 ngày/lần). Triển khai trên diện rộng việc cách ly F1 tại nhà trên địa bàn, theo dõi chặt chẽ, bảo đảm thực hiện đúng các quy định.