Bitcoin kéo tụt S&P 500, Dow Jones tăng mạnh nhờ cổ phiếu Boeing
Tính cả tuần, S&P 500 giảm 0,4%, đánh dấu chuỗi hai tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 2. Phiên cuối tuần, tâm lý của nhà đầu tư được hỗ trợ khi dữ liệu cho thấy hoạt động của ngành sản xuất Mỹ trong tháng 5 tăng lên mức cao kỷ lục...
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ không giữ được thành quả tăng và kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (21/5) trong trạng thái giảm, do cổ phiếu công nghệ một lần nữa chịu sức ép từ sự bán tháo trên thị trường tiền ảo.
Lúc đóng cửa, S&P 500 – thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall – giảm gần 0,1%, còn 4.155,86 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số này tăng tới 0,7%.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tăng 0,4%, chốt ở 34.207,84 điểm, nhờ cổ phiếu Boeing tăng mạnh. Chỉ số Nasdaq trượt 0,5%, còn 13.470,99 điểm.
Tính cả tuần, S&P 500 giảm 0,4%, đánh dấu chuỗi hai tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 2. Dow Jones giảm 0,5% cả tuần; trong khi Nasdaq tăng 0,3%, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp.
Bitcoin – đồng tiền ảo gây sốc trên thị trường tài chính toàn cầu trong tuần này với cú giảm 30% chỉ trong vòng một ngày – lại chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam. Nguyên nhân khiến giá Bitcoin một lần nữa tụt khỏi mốc 40.000 USD là cảnh báo của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc về hành vi đào và giao dịch Bitcoin. Ông Lưu nói cần phải thắt chặt hơn nữa quy chế giám sát để bảo vệ tài chính Trung Quốc.
Các cổ phiếu liên quan đến tiền ảo đồng loạt giảm mạnh phiên này. Coinbase và MicroStrategy giảm tương ứng 3,9% và 4,7% khi chốt phiên. Tesla trượt 1%.
Cổ phiếu Boeing tăng 3,2% sau khi hãng tin Reuters đưa tin nhà sản xuất máy bay của Mỹ thảo luận việc nâng sản lượng dòng tàu bay 737 MAX lên 42 chiếc mỗi tháng vào cuối năm 2022.
Phiên cuối tuần, tâm lý của nhà đầu tư được hỗ trợ khi dữ liệu cho thấy hoạt động của ngành sản xuất Mỹ trong tháng 5 tăng lên mức cao kỷ lục. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI do IHS Markit thực hiện tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, đạt mức 61,5 điểm, từ mức 60,5 điểm trong tháng 4, thay vì đi ngang như dự báo của giới phân tích.
“Những dữ liệu kinh tế đầu tiên của tháng 5 đều rất mạnh mẽ”, nhà sáng lập Adam Crisafulli của Vital Knowledge nói trong một báo cáo được trang CNBC trích dẫn. “Chúng ta đều biết rằng Cục Dựt trữ Liên bang (Fed) đang nghĩ đến thắt chặt chính sách, và những số liệu mới có thể sẽ khiến họ suy nghĩ nhiều hơn về việc đó. Nhưng thị trường chứng khoán vẫn sẽ ổn chừng nào Fed không phát tín hiệu thắt chặt trước tháng 11”.
Cổ phiếu Nvidia tăng 2,6% sau khi hãng chip tuyên bố chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 4-1, cho dù việc chia tách này thực chất không mang lại thêm giá trị gì cho cổ phiếu.
Hãng xe Ford cho biết đã nhận được 20.000 đơn đặt mua trước mãu xe bán tải điện mới F-150. Cổ phiếu Ford tăng 6,7% sau thông tin này.
Cổ phiếu Home Depot tăng 0,7% sau khi hãng bán lẻ thiết bị gia đình tuyên bố chi 20 tỷ USD để mua lại cổ phiếu.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy niềm tin của thị trường, cổ phiếu vừa chào sàn Oatly tăng 11% trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi tăng 18% trong phiên ngày thứ Năm khi vừa niêm yết trên sàn Nasdaq.
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm liên tiếp trong ba phiên đầu tiên của tuần này do mối lo lạm phát. Tiếp đó, thị trường tăng mạnh trong phiên ngày thứ Năm khi giới đầu tư bắt đáy cổ phiếu công nghệ và lạc quan khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch. S&P 500 và Nasdaq chốt phiên ngày thứ Năm với mức tăng tương ứng 1,06% và 1,77%.
Theo giới phân tích, giao dịch ở Phố Wall hiện nay vẫn đan xen giữa bán cổ phiếu công nghệ-mua cổ phiếu chu kỳ và bán cổ phiếu chu kỳ-mua cổ phiếu công nghệ, tuỳ theo sự lên-xuống của mối lo lạm phát và thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên ngày thứ Sáu nhiều gấp 1,46 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,26 lần. Toàn thị trường có 9,08 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công.