13:00 25/04/2022

Blockchain- “át chủ bài” để kinh tế số bứt phá

Phan Anh

Một startup trong lĩnh vực Blockchain chỉ trong một vài năm đã phát triển đột phá và tạo giá trị vốn hóa lên tới hàng tỷ USD, gấp nhiều lần một tập đoàn đã ra đời hàng chục năm. Với tín hiệu tích cực này, nhiều chuyên gia cho rằng Blockchain có thể trở thành một trong những công nghệ bứt phá, là hạ tầng quan trọng của chuyển đổi số, tác nhân trọng yếu của nền kinh tế số...

Blockchain là một trong những công nghệ bứt phá, hạ tầng quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Blockchain là một trong những công nghệ bứt phá, hạ tầng quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Theo Chainalysis, Việt Nam đang có chỉ số chấp nhận ứng dụng Blockchain cao nhất thế giới, gấp 5 lần số người dùng ở Mỹ. Trong đó, 4 xu hướng chủ đạo bao gồm: NFT, Metaverse, Trí tuệ nhân tạo (AI) và DeFi, đang từng bước được người Việt chinh phục. Đáng kể hơn, lĩnh vực Blockchain được Việt Nam đặc biệt quan tâm, phát triển.

CÔNG NGHỆ CÓ KHẢ NĂNG BỨT PHÁ NHẤT

Trong lĩnh vực Blockchain, Việt Nam đã có những “kỳ lân”, thậm chí đứng đầu trong một số mảng như game Blockchain. Đó là tựa game Axie Infinity chỉ trong vài năm đã phát triển với giá trị vốn hóa từng vượt mốc 9,7 tỷ USD, gấp 3 lần vốn hóa Tập đoàn FPT. Đến nay, Việt Nam có hơn 200 tựa game Blockchain và đang đứng đầu thị trường.

Theo các chuyên gia, FPT phải mất hơn 30 năm mới trở thành một công ty có giá trị 3 tỷ USD. Các công ty như VNG, VnLife cũng phải mất từ 6-8 năm mới trở thành một “kỳ lân”, xây dựng sản phẩm với hàng chục triệu người dùng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực Blockchain đã chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục: Axie Infinity hay Coin98 chỉ trong 4 năm đã xây dựng, phát triển trở thành những công ty kỳ lân…

 
TS Đặng Minh Tuấn
TS Đặng Minh Tuấn
Trong các lĩnh vực công nghệ, Blockchain là công nghệ mang tính bứt phá nhất. Có đồng tiền kỹ thuật số trong 11 năm, giá trị đã tăng gấp 680 triệu lần. Đó là mức tăng trưởng chưa từng có trong lịch sử.

Trong buổi ra mắt Liên minh Blockchain Việt Nam mới đây, ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam nhấn mạnh, trong các lĩnh vực công nghệ, Blockchain chính là công nghệ mang tính bứt phá nhất. “Có những đồng tiền kỹ thuật số trong vòng 11 năm giá trị của nó đã tăng gấp 680 triệu lần. Đó là mức tăng trưởng chưa từng có trong lịch sử”, ông Tuấn nói.

Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, cho biết trong cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với AI, Big Data, Robotic thì Blockchain được xem là công nghệ chìa khóa cho chuyển đổi số. Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, bền vững và bảo mật cao, Blockchain đã thể hiện là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính, y tế, giáo dục, sở hữu trí tuệ, logistics, giải trí, nông nghiệp. Blockchain cũng được xem là động lực của Internet thế hệ tiếp theo mà nhiều người gọi là Web 3.0.

Trong top 200 công ty Blockchain trên thế giới, có khoảng 5-7 công ty do người Việt sáng lập. Khoảng 10 startup của người Việt Nam trong lĩnh vực Blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD. “Blockchain đang từng ngày được khẳng định là tác nhân trọng yếu của nền kinh tế số và công nghệ này thời gian qua đã giúp Việt Nam ghi dấu ấn với các cường quốc trên thế giới”, ông Hồng nhìn nhận.

CƠ HỘI ĐỂ DẪN ĐẦU VỀ BLOCKCHAIN

Trong tuần lễ Blockchain Binance 2022 ở Dubai vừa qua, 8/10 chuyên đề đã nhắc đến từ khóa Việt Nam và các công ty lớn trong lĩnh vực Blockchain Việt. Theo dự đoán đoán của Gartner, 25% người tiêu dùng sẽ dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày trong Metaverse để làm việc, mua sắm học tập, giao lưu hoặc giải trí vào năm 2026. Metaverse đã và đang thu hút sự quan tâm đầu tư của các “ông lớn” công nghệ thế giới và sẽ là tương lai, có ảnh hưởng tới tất cả các doanh nghiệp.

Nhìn nhận về cơ hội cho Việt Nam phát triển trở thành cường quốc công nghệ số tới năm 2030 từ Blockchain, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang có những hành động nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số bằng những công nghệ lõi như AI, IoT, Điện toán đám mây. Đặc biệt, công nghệ Blockchain đang được xem như cơ sở hạ tầng cốt lõi trong chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất phát không chậm hơn so với thế giới, thậm chí còn tạo ra những xu hướng mới.
Các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất phát không chậm hơn so với thế giới, thậm chí còn tạo ra những xu hướng mới.

Chia sẻ vấn đề này, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, lưu ý muốn trở thành cường quốc hoặc những công ty đi đầu về công nghệ lõi cần phải đầu tư mạnh mẽ để xây dựng công nghệ. Đây là bài toán thách thức nhưng cũng rất hấp dẫn các công ty công nghệ.

Theo các chuyên gia, với công nghệ Blockchain, các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất phát không chậm hơn so với các nước, thậm chí còn tạo ra những xu hướng mới. Blockchain cũng là nền tảng mở để các công ty Việt Nam có thể tiếp cận với những công nghệ mới, cùng nhau phát triển những công nghệ mới hiệu quả. Ngoài ra, các dịch vụ, ứng dụng Blockchain có thể mở ra ở nước ngoài dễ dàng hơn và cộng đồng trên thế giới có thể tham gia.

“Metaverse sẽ là xu hướng tiếp theo và FPT đặt cược vào mảng công nghệ này. Kỳ vọng đến năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng chục kỳ lân trong lĩnh vực Blockchain và có thể sở hữu những công nghệ lõi về Blockchain”, ông Tú thông tin.

Việt Nam đang chủ trương đẩy mạnh khởi nghiệp số, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, chúng ta tác động để có hành lang pháp lý tốt, trong đó có cơ chế Sandbox cho các lĩnh vực công nghệ mới như Fintech và Blockchain.

Để trở thành nước hàng đầu về Blockchain, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam kiêm Chủ tịch VinaFintech, nhấn mạnh các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải làm chủ được công nghệ lõi, nền tảng chứ không phải chỉ đi mua và triển khai trên nền tảng của người khác. Bên cạnh AI, Metaverse, IoT…, Blockchain là công nghệ hàng đầu, cứu cánh cho các doanh nghiệp và nền kinh tế số. Ông Thắng tin rằng người Việt hoàn toàn có thể tạo được nền tảng Blockchain, AI mang dấu ấn Make in Việt Nam.

Cùng quan điểm này, GS. Đinh Ngọc Thạnh, Đại học Soongsil (Hàn Quốc), nhấn mạnh bên cạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ở quy mô quốc gia, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu đào tạo một cách bài bản. Nếu không đầu tư nghiên cứu sáng chế, làm chủ công nghệ lõi thì khó có thể đạt giữ vị thế dẫn đầu về Blockchain.

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, KHUNG PHÁP LÝ VỀ BLOCKCHAIN

Đại diện một startup chia sẻ: startup Blockchain là lĩnh vực khó và ngay từ đầu xây dựng giải pháp phải tính đến hướng ra toàn cầu. Hoạt động ở lĩnh vực khó trong bối cảnh hành lang pháp lý chính sách chưa đầy đủ càng khó khăn hơn. Do đó, nhiều startp lĩnh vực này đặt văn phòng ở nước ngoài để hợp thức hóa hoạt động và gọi vốn dễ dàng.

“Một doanh nghiệp startup làm ở Việt Nam nhưng lại đăng ký kinh doanh ở nước ngoài, nộp thuế cho nước ngoài là điều không mong muốn”. Vì vậy startup này đề xuất Việt Nam cần sớm có quy định hỗ trợ, điều kiện mở để các startup trong lĩnh vực Blockchain thành lập ở trong nước và cho một số cơ chế thử nghiệm…

 
Liên minh Blockchain Việt Nam: thời gian tới sẽ đẩy mạnh tư  vấn, tham mưu cho các cơ quan quản lý nhằm xây dựng chính sách, khung pháp lý về Blockchain, tài sản số, tiền số tại Việt Nam, đưa Việt Nam bứt phá và thành công trong lĩnh vực Blockchain cũng như nền kinh tế số.

Startup này khẳng định đây là thời điểm rất đặc biệt, hội tụ nhiều công nghệ đã chín muồi, mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các startup mong muốn có các chính sách hỗ trợ để có thể đón đầu đúng xu hướng công nghệ mới.

Chia sẻ từ góc độ đơn vị xây dựng chính sách, ông Phạm Quốc Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, cho biết đã nghiên cứu công nghệ này. Việc xây dựng một hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số, chuyển đổi số là rất quan trọng. Blockchain là một trong những nền tảng rất quan trọng và phù hợp.

Ông Hoàn nhấn mạnh: Việt Nam đang trong cùng thời điểm tiếp cận công nghệ, cùng phát triển với các nước. Do đó, nếu được đầu tư tốt, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào lĩnh vực này, Việt Nam có thể xây dựng được nền tảng hạ tầng Blockchain, cũng là hạ tầng cho nền kinh tế số. Blockchain sẽ đưa ra một môi trường tạo niềm tin cho những giao dịch trên đó. Ở tầm hạ tầng quốc gia phải tạo ra những hạ tầng nền tảng đó.

Phía cơ quan quản lý đã nhận thức rõ vấn đề này và mong muốn thời gian tới sẽ cùng liên minh Blockchain và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi thảo luận để xây dựng chính sách. Việc xây dựng hạ tầng chung cho quốc gia cần có sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp. Việc xây dựng hệ thống này không chỉ giúp ích trong tạo cơ chế Sandbox, xây dựng chính sách sát thực tế mà còn ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, đảm bảo an ninh quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển…

Dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 30% hệ thống kinh doanh triển khai trên nền tảng Blockchain. Cùng với đó cần kiến tạo một hệ sinh thái để hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước dẫn đầu lĩnh vực Blockchain và phát triển kinh tế số.