12:06 09/03/2022

Blue-chips hồi nhanh, cổ phiếu VCB đang dẫn sóng

Kim Phong

“Tội đồ” VCB hôm qua đã quay lại sửa sai sáng nay bằng mức tăng 1,84%. Tuy nhiên phải đến gần cuối phiên khá nhiều blue-chips hồi giá mới giúp kéo VN-Index quay lại gần tham chiếu...

Nhóm trụ chưa mạnh rõ ràng, nhưng đang có triển vọng tốt hơn.
Nhóm trụ chưa mạnh rõ ràng, nhưng đang có triển vọng tốt hơn.

“Tội đồ” VCB hôm qua đã quay lại sửa sai sáng nay bằng mức tăng 1,84%. Tuy nhiên phải đến gần cuối phiên khá nhiều blue-chips hồi giá mới giúp kéo VN-Index quay lại gần tham chiếu.

Độ rộng của nhóm VN30 thay đổi khá nhanh, xác nhận đà phục hồi của rổ blue-chips này xuất hiện trên diện rộng. VN30-Index tạo đáy thứ nhất khoảng 10h và đáy thứ hai lúc 11h nhưng số cổ phiếu tăng giá đã khác biệt.

Lúc thấp nhất VN30 chỉ có 6 mã tăng và tới 23 mã giảm nhưng đến cuối phiên đã là 14 mã tăng/16 mã giảm. Chỉ số từ mức giảm 0,34% quay đầu tăng 0,12%. Mức tăng này còn rất nhẹ và chỉ có 6 mã tăng được trên 1%.

PNJ tăng mạnh nhất 4,62% và cũng là cổ phiếu duy nhất đi lên liên tục sáng nay. Động lực chính đến từ giá vàng thế giới tăng dữ dội. Tuy nhiên bất lợi là PNJ không có vốn hóa đáng kể nên không kéo được chỉ số. VJC cũng rất mạnh với mức tăng 2,19%, PLX tăng 1,96%, FPT tăng 1,16%.

Phía giảm, BVH, VRE, BID, KDH và MWG là 5 blue-chips duy nhất giảm trên 1%. Trong số này chỉ có BID là vốn hóa lớn. Tuy vậy VRE, MWG lại là hai mã lớn hơn trong VN30-Index. Đây cũng một phần là động lực giúp VN30-Index tăng vượt được tham chiếu, trong khi VN-Index vẫn đang giảm 1,17 điểm tương đương 0,08%.

Dù vậy thị trường vẫn đang cho thấy có diễn biến phục hồi. Độ rộng thay đổi tích cực là bằng chứng rõ nhất. Ở đáy đầu tiên của V-Index lúc 10h, chỉ số này chỉ có 78 mã tăng/363 mã giảm. Ở đáy thứ hai lúc 11h, VN-Index có 100 mã tăng/357 mã giảm. Kết phiên HoSE đã có 142 mã tăng/310 mã giảm. Rõ ràng là số giảm giá vẫn đang áp đảo, nhưng nếu blue-chips tiếp tục phục hồi mạnh hơn thì sức lan tỏa tăng giá cũng sẽ xuất hiện.

Vn30-Index đã vượt được tham chiếu.
Vn30-Index đã vượt được tham chiếu.

Việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga đã thổi bùng một đợt tăng mới của giá dầu thế giới. Lúc kết phiên sáng của Việt Nam thì dầu WTI đã lên trên 126 USD/thùng, dầu Brent trên 131 USD/thùng. Cổ phiếu dầu khí sau phiên bị chốt lời mạnh hôm qua đã phục hồi khá tốt. Rất tiếc là GAS chỉ tăng nhẹ 0,99% nên đà kéo chỉ số bị hạn chế. Tuy vậy PLX đã tăng 1,96%, PVD tăng 3,98%, PVS tăng 3,42%, PVC tăng 8,31%... PTV và PVO đang có mức tăng kịch trần trên UpCOM.

Nhóm cổ phiếu hóa chất, phân bón cũng quay đầu phục hồi tương tự: DCM tăng  1,9%, DPM tăng 2,1%, BFC tăng 5,34%, NFC tăng 6,83%, DGC tăng 2,75%... Các mã thép, khoáng sản cũng đồng loạt tăng tốt.

Diễn biến phục hồi nhanh gần như ngay lập tức của các cổ phiếu hàng hóa cơ bản cho thấy việc giảm giá hôm qua đơn giản chỉ là do chốt lời thông thường. Nhà đầu tư muốn thu lợi nhuận về thường không giao dịch kéo dài. Trong khi đó động lực để giá hàng hóa thế giới tăng vẫn còn nguyên, thậm chí có thể còn mạnh thêm khi Nga vừa tuyên bố hạn chế xuấu khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu.

Cho đến hết phiên sáng nay sàn HoSE vẫn đang ghi nhận 175 cổ phiếu giảm giá trên 1%. Độ rộng còn hẹp và số giảm giá chưa co lại bao nhiêu. Thị trường cần một động lực mua nâng giá tốt hơn nữa do thanh khoản hiện vẫn chỉ tương đương sáng hôm qua. Thậm chí VN30 còn đang giao dịch giảm nhẹ khoảng 6%.

Các cổ phiếu tăng nóng hiện tại không mang tính nhóm ngành, dù một số cổ phiếu vận tải cảng biển như VOS, GMD, VTO kịch trần. Nhóm TGG, TEG, TNT, HAH, RDP cũng tăng hết biên độ. Chỉ số Smallcap vẫn đang giảm 0,57%, Midcap giảm 0,22%.

Nhà đầu tư nước ngoài giảm bán đáng kể trong sáng nay, tổng mức xả ở HoSE chỉ còn 920,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,3% tổng thanh khoản sàn này. Tuy vậy mức bán ròng vẫn còn 267,4 tỷ đồng. Không nhiều blue-chips bị bán mạnh, nhiều nhất là VNM với gần 47 tỷ, HPG gần 39 tỷ, MSN khoảng 36,6 tỷ, VHM gần 23 tỷ. Phía mua cũng chỉ có PNJ với 26,4 tỷ đồng là đáng kể.