09:22 27/10/2023

Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định thành lập mới đơn vị đăng kiểm

Anh Tú

Theo dự thảo thông tư đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến, để được đầu tư xây dựng đơn vị đăng kiểm phải đáp ứng hai điều kiện quan trọng. Sau khi hoàn thành việc đầu tư, Sở Giao thông vận tải thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới...

Việc kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định.
Việc kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định.

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

HAI ĐIỀU KIỆN BẮT BUỘC

Theo dự thảo, khi có nhu cầu đầu tư xây dựng đơn vị đăng kiểm, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm cần đáp ứng hai điều kiện. Một, có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó nêu rõ vị trí dự kiến xây dựng đơn vị đăng kiểm.

Hai, vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo phù hợp với mục đích, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương và đảm bảo mật độ các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, các tỉnh thành phố liền kề trong khu vực phân bố đồng đều, phù hợp theo hướng giảm cự ly di chuyển của phương tiện đến các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Đối với đơn vị đăng kiểm thành lập mới hoặc đơn vị đăng kiểm đang hoạt động thay đổi địa điểm thì địa phương căn cứ hai yêu cầu nêu trên để xem xét, quyết định.

Đối với đơn vị đăng kiểm đang hoạt động chỉ thực hiện đầu tư nâng cấp, lắp đặt thêm dây chuyền kiểm định thì không áp dụng khoản (1), khoản (2) nêu trên.

"Các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, đơn vị kinh doanh vận tải được bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới hoặc ngược lại nhưng phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Hoạt động kiểm định phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, minh bạch, không bị chi phối bởi bất cứ yếu tố nào làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm định.

THÀNH LẬP ĐOÀN KIỂM TRA ĐỂ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG

Dự thảo nêu rõ, sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gửi về Sở Giao thông vận tải, trong đó, danh sách trích ngang nhân lực của đơn vị theo mẫu và bản đối chiếu các quy định về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo mẫu tùy theo các trường hợp.

Theo đó, đơn vị đăng kiểm được xây dựng, thành lập mới thì Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.

Còn đơn vị đăng kiểm đang hoạt động thực hiện lắp đặt thêm, thay đổi loại dây chuyền kiểm định thì hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gồm các tài liệu quy định tại điểm a, điểm c, điểm d Điều 8 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP).

Sở Giao thông vận tải thành lập đoàn kiểm tra, trong đoàn phải có tối thiểu một thành viên đã hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới quy định.

Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gồm các nội dung sau.

Thứ nhất, kiểm tra, đánh giá mặt bằng đơn vị, xưởng kiểm định, thiết bị thông tin lưu trữ số liệu và trang thiết bị khác: rà soát, đối chiếu thông tin mặt bằng của đơn vị đăng kiểm, xưởng kiểm định, thiết bị lưu trữ thông tin và trang thiết bị khác so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm và ghi vào biên bản theo mẫu quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Thứ hai, kiểm tra, đánh giá thiết bị, dụng cụ kiểm tra: kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị, dụng cụ kiểm tra; việc thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị theo quy định pháp luật về đo lường và ghi vào biên bản theo mẫu quy định.

Thứ ba, về cơ cấu tổ chức, nhân lực, Sở Giao thông vận tải, kiểm tra tài liệu thể hiện cơ cấu tổ chức của đơn vị đăng kiểm quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP. Sau đó, đối chiếu thông tin của lãnh đạo đơn vị, phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ trong danh sách trích ngang.

Thứ tư, quy trình kiểm định của đơn vị đăng kiểm phải thể hiện đầy đủ quá trình thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thứ năm, hoạt động của dây chuyền kiểm định: sử dụng phương tiện phù hợp với từng loại dây chuyền để kiểm tra, đánh giá sự hoạt động của dây chuyền, việc sử dụng các phần mềm, việc kết nối dữ liệu với phần mềm quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam; hoạt động của hệ thống giám sát quá trình kiểm định.

Thứ sáu, kiểm tra việc mở các sổ theo dõi, quản lý theo quy định.

Cũng tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ việc kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới trong trường hợp có phản ánh, khiếu nại có cơ sở về vi phạm trong hoạt động kiểm định; hoặc có văn bản yêu cầu của các cơ quan chức năng; hay khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định thông qua hệ thống giám sát, phân tích cơ sở dữ liệu kiểm định...