19:54 28/10/2021

Bộ Giao thông vận tải giải ngân gần 30.000 tỷ, tăng tốc về đích

Ánh Tuyết

Luỹ kế hết tháng 10, Bộ Giao thông vận tải ước giải ngân 29.114 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch. Giai đoạn nước rút, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhưng Tư lệnh ngành Giao thông vận tải không quên nhắc nhở "tiến độ là quan trọng nhưng chất lượng là hàng đầu"...

Lũy kế 10 tháng, Bộ Giao thông vận tải giải ngân gần 30.000 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch.
Lũy kế 10 tháng, Bộ Giao thông vận tải giải ngân gần 30.000 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch.

Tại buổi họp giao ban công tác tháng 10, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải diễn ra ngày 28/10, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Trí Đức cho biết, dự kiến tháng 10/2021, Bộ giải ngân được 2.204 tỷ đồng.

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT CHẤT LƯỢNG

Như vậy, lũy kế 10 tháng, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 29.114 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư trong nước khoảng 26.373 tỷ đồng, đạt 68,4%. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài lũy kế đến thời điểm hiện tại là 2.741 tỷ đồng, đạt 56,7%. Từ nay tới 31/1/2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục giải ngân khoảng 14.259 tỷ đồng.

Lũy kế 10 tháng, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 29.114 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch.
Lũy kế 10 tháng, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 29.114 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch.

Cũng trong tháng 10, Bộ phê duyệt 07 dự án, hạng mục công trình với giá trị là 1.683 tỷ đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Bộ phê duyệt, quyết toán 43 dự án, hạng mục công trình, giá trị 14.987 tỷ đồng.

 
“Chỉ còn 2 tháng nữa, Vụ Kế hoạch Đầu tư, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cần tập trung, tăng cường kiểm tra giám sát tiến độ, chất lượng. Tiến độ là quan trọng nhưng chất lượng là hàng đầu. Các đơn vị, ban quản lý dự án nào giải ngân chậm sẽ bị thu hồi dự án”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đặc biệt lưu ý.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, bên cạnh những nhiệm vụ hoàn thành, vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể, “công tác giải ngân vốn đầu tư công còn yếu. Công tác mở lại các hoạt động vận tải hành khách còn lúng túng. Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án, công tác xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị nhìn thẳng vào những hạn chế để khắc phục để cho công tác năm 2022 được hoàn chỉnh hơn.

Trước đó, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu phí tự động không dừng (ETC) theo hình thức PPP, hợp đồng BOT vừa qua, báo cáo tình hình triển khai dự án BOT, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, hiện Bộ đã huy động được khoảng 218.022 tỷ đồng để đầu tư 69 dự án theo phương thức PPP.

Trong đó, hoàn thành đưa vào khai thác 66 dự án với tổng mức đầu tư 206.509 tỷ đồng, đang triển khai đầu tư 3 dự án với tổng mức đầu tư 11.432 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đồng thuận giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xem xét việc tăng giá/phí dịch vụ sử dụng đường bộ, đánh giá tác động của việc tăng giá và xây dựng lộ trình áp dụng, ưu tiên một số dự án có doanh thu sụt giảm lớn trong năm 2021. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021, do dịch Covid-19 bùng phát, Bộ đàm phán với nhà đầu tư tiếp tục lùi thời hạn tăng giá/phí và xây dựng lộ trình để áp dụng mức phí điều chỉnh trong thời gian tới.

Cập nhật tiến độ một số dự án trọng điểm, lãnh đạo Bộ cho biết, thứ nhất, về dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Bộ Giao thông vận tải triển khai đồng loạt 4 hợp phần của dự án.

Đến thời điểm này, mặt bằng của dự án sạch, có thể tiến hành công tác san lấp 1.200ha, còn 600ha đang vướng một số hộ, Bộ Giao thông vận tải đang làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai sớm bàn giao mặt bằng, để có mặt bằng sạch 1.800ha tiến hành đồng loạt san lấp mặt bằng, tạo điều kiện xây dựng đường băng và hạ tầng. Riêng hạng mục hàng rào đã hoàn thành được 40%.

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ đồng loạt khởi công xây dựng các hạng mục như trụ sở, kho bãi, hạ tầng đường băng... Theo kế hoạch cuối năm 2025 sẽ khai thác 01 đường băng cùng với hạ tầng, đảm bảo phục vụ 25 triệu hành khách/năm.

Thứ hai, về dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong 11 dự án thành phần giai đoạn 1, sẽ đưa vào vận hành khai thác từ cuối năm 2021 đến năm 2024, gồm 1 dự án vào cuối năm 2021, 4 dự án vào cuối năm 2022, 4 dự án vào cuối năm 2023 và 2 dự án vào năm 2024.

Giai đoạn 2 sẽ lập dự án mới gồm 12 dự án thành phần. Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và sẽ thông qua chủ trương đầu tư của 12 dự án thành phần này trong vào tháng 12/2021.

DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA DỨT KHOÁT KHÔNG CHẬM TIẾN ĐỘ

Giai đoạn nước rút cuối năm, Chánh Văn phòng Nguyễn Trí Đức nhấn mạnh, Bộ sẽ tập trung, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án ODA, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Bên cạnh đó, quyết liệt khắc phục khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2021.

Về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án giai đoạn 2021-2025, Bộ đang nghiên cứu và trình các cơ quan có thẩm quyền các báo cáo tiền khả thi 6 dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, phê duyệt chủ trương đầu tư 3/10 dự án, trình Thủ tướng Chính phủ 3/10 dự án nhóm A; phê duyệt chủ trương đầu tư 34/51 dự án, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư 12/51 dự án nhóm B, nhóm C.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Quản lý xây dựng tăng cường kiểm tra giá sát chất lượng, tiến độ các dự án. Các Ban Quản lý dự án tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công.

“Đối với các dự án cấp bách nhất thiết phải kết thúc trong năm nay. Những dự án trọng điểm quốc gia dứt khoát không được để chậm. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư có vướng mắc gì, các đồng chí cần báo cáo ngay cho Vụ Kế hoạch đầu tư, cho các Thứ trưởng phụ trách." Bộ trưởng khẳng định.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, chỉ đạo sát sao để khôi phục mạnh mẽ hơn hoạt động vận tải đường bộ, làm tốt hơn nữa hoạt động duy tu sửa chữa đường bộ, trong đó, ưu tiên sữa chữa kịp thời các tuyến quốc lộ trọng yếu.

 
“Cần đưa rõ mốc hoàn thành dự án như một tiêu chí trong hồ sơ mời thầu. Chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào công tác tư vấn, thiết kế, chuẩn bị đầu tư để rút ngắn công đoạn này. Mục tiêu là phải khởi công toàn tuyến trước 31/12/2022, hoàn thành trước tháng 6/2025”.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Bên cạnh đó, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng điểm thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, một trong những đột phá là hạ tầng giao thông, vì vậy, nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải là rất lớn. Đến năm 2025 phải hoàn thành khoảng 2.000km đường cao tốc, cùng với đó phải hoàn thành các cảng hàng không, cảng biển, hệ thống đường sắt...

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải khẩn trương triển khai thực hiện 5 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt, tập trung xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. 

Đồng thời, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, xây dựng tiến độ khởi công, xây dựng các hạng mục của Sân bay quốc tế Long Thành. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ cần đặc biệt quan tâm đến giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông với chiều dài khoảng 750km.

Theo đó, cần rút kinh nghiệm trong triển khai các đoạn tuyến giai đoạn 2017-2021 trong công tác mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu.

Đối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao cho TP. Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng. 

Đồng thời, Bộ cần hỗ trợ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ, triển khai mới thêm các tuyến đường sắt đô thị, phấn đấu từ nay đến 2025 có thể khánh thành, đưa vào sử dụng thêm một số tuyến.