07:51 27/02/2024

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Làm chính sách cho địa phương, sợ nhất là địa phương không xin gì?”

Anh Nhi

Chia sẻ về cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Đà Nẵng cần xác định rõ chính sách riêng cho thành phố để khai thác hết thế mạnh, giải quyết được điểm nghẽn, giải phóng được nguồn lực, tạo được yếu tố mới cho phát triển nhanh và bứt phá….

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại cuộc họp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại cuộc họp.

Chiều ngày 26/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp ban soạn thảo, tổ biên tập hồ sơ xây dựng Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

CHÍNH SÁCH PHẢI TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để Đà Nẵng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đã rất rõ ràng. Song vấn đề là làm sao để chính sách dành riêng cho địa phương vừa phải đảm bảo tính đồng bộ, vừa phải có nét riêng, nét đặc thù để khai thác tiềm năng, thế mạnh của Đà Nẵng nhưng cũng giải quyết được điểm nghẽn, giải phóng được nguồn lực để tạo động lực, yếu tố mới cho phát triển nhanh và bứt phá trong tương lai.

“Nhiều chính sách xây dựng rất mất công nhưng không đi vào cuộc sống, hiệu quả mang lại không cao. Do đó, Đà Nẵng cần xác định đây là cơ hội để đề xuất chính sách trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả và khả thi. Như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu, khi làm chính sách cho địa phương, sợ nhất là địa phương không xin được chính sách gì chứ không phải tiếc chính sách này hay chính sách kia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Gợi mở chính sách phát triển cho Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý 3 vấn đề. Thứ nhất, Đà Nẵng xoay quanh các trung tâm tài chính khu vực, vậy Đà Nẵng có chính sách gì để xây dựng trung tâm này?

Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết phát triển trung tâm tài chính đang là trăn trở của Đà Nẵng.
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết phát triển trung tâm tài chính đang là trăn trở của Đà Nẵng.

Thứ hai, công nghệ bán dẫn đang là xu hướng và cơ hội, do đó, Đà Nẵng sẽ làm gì để phát triển ngành công nghiệp này, từ đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài…

Thứ ba, xung quanh vấn đề cảng Liên Chiểu, Bộ trưởng gợi mở có thể hình thành trung tâm thương mại tự do, khu phi thuế quan hay cảng trung chuyển lớn… dựa trên chính sách đặc thù để tạo ra các mô hình hoạt động hiệu quả.

“Đừng chú trọng vào việc xin tiền hay xin quyền mà phải làm sao để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và nguồn lực trong xã hội… Cần cố gắng tìm trọng tâm, trọng điểm, xin gì căn cơ, đích đáng, ra tấm ra món, cố gắng làm sao phải đẩy nhanh, kịp trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

6 CHÍNH SÁCH MỚI

Liên quan tới các chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Đà Nẵng đang tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để xem xét trình các cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng.

Đối với trung tâm tài chính, đây cũng là vấn đề mà thành phố đang trăn trở. Theo Bí thư Đà Nẵng, thành phố đã báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc này và Thủ tướng đã có gợi mở, định hướng. Trước mắt, Đà Nẵng mong muốn đưa việc hình thành trung tâm tài chính vào dự thảo Nghị quyết để làm nền tảng cho quá trình triển khai, thực hiện sau này.

Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh trình bày tóm tắt về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 .
Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh trình bày tóm tắt về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 .

Đối với vấn đề nhân lực cho ngành công nghệ cao, bán dẫn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, muốn đào tạo và thu hút được nhân lực, cần có cơ chế đặc thù. Cùng với đó, cần thêm các cơ chế để mua sắm, đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu chip, đào tạo nhân lực. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng khẳng định sẽ nghiên cứu để xuất các cơ chế, chính sách có đầy đủ tính pháp lý, khả thi khi triển khai.

Trình bày tóm tắt về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 về xây dựng chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng cho biết trên cơ sở các chính sách đã được Quốc hội ban hành áp dụng cho các địa phương và thực tiễn của thành phố, Đà Nẵng đề xuất 27 chính sách, bao gồm 21 chính sách tương tự các địa phương (trong đó 11 chính sách tương tự hoàn toàn, 10 chính sách có điều chỉnh, bổ sung) và 6 chính sách mới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng góp ý về chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng góp ý về chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.

Các chính sách đề xuất mới theo thực tế của Đà Nẵng gồm: (1) thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; (2) cho phép thực hiện thí điểm bổ sung dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật vào danh mục dự án thu hồi đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư; (3) cơ chế tuyển dụng, tiền lương, tiền công, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…, (4) Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định việc cho phép Đà Nẵng là địa bàn được thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) qua sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong quản lý và giao dịch tài sản số trên nền tảng DanangChain…, (5) đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, (6) Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định các chính sách hỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với các điều kiện cụ thể của thành phố Đà Nẵng.

 

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao:

"Bộ Ngoại giao rất ủng hộ cách tiếp cận của Đà Nẵng; tập trung vào xây dựng những chính sách rất đặc thù, gắn với mục tiêu phát triển, tạo ra động lực phát triển của thành phố và phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam. Về phát triển công nghiệp bán dẫn, các nước trong khu vực có chính sách riêng, rất đặc thù để thu hút vốn và doanh nghiệp. Về xây dựng khu thương mại tự do, Bộ Ngoại giao rất ủng hộ. Đây là mô hình mới với Việt Nam nên cần nghiên cứu để cụ thể hóa tiêu chí và chính sách đặc thù, chẳng hạn như visa, lao động…"

Đại diện Ngân hàng Nhà nước:

"Chúng tôi đánh gia cao những đề xuất của Đà Nẵng để đưa thành phố phát triển nhanh và bứt phá. Liên quan tới đề xuất cho phép Đà Nẵng là địa bàn được thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) qua sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong quản lý và giao dịch tài sản số trên nền tảng DanangChain, trong đó token giao dịch mặc định là VND để thúc đẩy phát triển kinh tế số, phạm vi Dự thảo về sandbox mà chúng tôi đang xây dựng và dự định ban hành không có công nghệ chuỗi mà Đà Nẵng đề xuất. Do vậy, cần xem xét lại phạm vi này".