Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ nội luật hóa các cam kết quốc tế về lao động
Cam kết quốc tế về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang được Việt Nam nội luật hóa trong Bộ luật Lao động sửa đổi
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) là một văn kiện thúc đẩy việc tôn trọng các quyền lao động cơ bản như một điều kiện cốt lõi để phát triển thương mại quốc tế công bằng.
Làm rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, hiện các nội dung về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, các tiêu chuẩn lao động kỹ thuật có thể chấp nhận được của Bộ luật Lao động như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu… về cơ bản đã phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế có liên quan.
Tuy nhiên, cách tiếp cận các cam kết về lao động sẽ dựa vào luật pháp quốc gia. Trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, sẽ có nhiều nội dung được điều chỉnh đề phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam.
Hiện, hai vấn đề trong cam kết quốc tế về lao động đang còn nhiều ý kiến khác nhau là bình đẳng trong việc làm và tổ chức đại diện người lao động. Đối với vấn đề liên quan đến bình đẳng, không phân biệt đối xử trong việc làm, theo lý giải của ông Bình là không có bất kỳ sự phân biệt nào dựa trên các yếu tố như: chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, giới tính, dân tộc…
Do đó, đại diện Vụ Pháp chế khẳng định, một trong những định hướng sửa đổi rất lớn của bộ luật lần này là nội dung liên quan đến lao động nữ. "Bộ luật Lao động hiện hành đưa ra rất nhiều quy định bảo vệ lao động nữ mà trên thực tế, trong nhiều trường hợp điều này có nguy cơ tạo ra sự phân biệt đối xử với chính họ, như hạn chế cơ hội tiếp cận việc làm, thăng tiến nghề nghiệp. Những quy định đó cũng đã làm tăng chi phí cho doanh nghiệp", ông Bình thông tin.
Do vậy, lần sửa đổi này đã đưa ra cách tiếp cận hiện đại hơn, từ bảo vệ lao động nữ sang thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền thay vì cấm đoán, nhiều quyền lợi của nữ và nam phải được như nhau. Chẳng hạn như trước đây, luật quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ cho lao động nữ đang nuôi con, vô hình chung đã tạo nên phân biệt đối xử, và trách nhiệm chăm sóc con cái dường như chỉ thuộc về phụ nữ.
Trong khi đó, theo nguyên tắc về bình đẳng giới, trách nhiệm cần đặt ra với cả lao động nam. Ông Bình khẳng định, đây là thay đổi rất lớn để bảo đảm phù hợp hơn với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc sửa đổi quy định này là không hề đơn giản và hiện đang không nhận được sự ủng hộ rộng rãi, bởi các yếu tố về nhận thức, văn hóa của người lao động cũng như nhiều yếu tố khác có liên quan.
Đối với vấn đề thứ hai liên quan đến quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể, Bộ luật Lao động sửa đổi cho phép người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện của mình để thực hiện chức năng đại diện cho người lao động trong quan hệ lao động.
Theo đại diện Vụ Pháp chế, đây là một nội dung mới, nên rất nhiều nội dung có liên quan sẽ phải sửa đổi. Các cơ chế tương tác giữa các bên trong quan hệ lao động như đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp đều được sửa đổi để phù hợp.
Theo kế hoạch, Bộ luật Lao động sửa đổi trong đó có tích hợp các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2019.