16:17 19/07/2010

"Bỏ ngỏ" quản lý chi nhánh doanh nghiệp xuất khẩu lao động?

Vũ Quỳnh

Không phải lúc nào cơ quan quản lý cũng nắm được sai phạm của các chi nhánh thuộc doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Người lao động tập trung ở Hà Nội để đi đòi tiền công ty OSC Hải Phòng.
Người lao động tập trung ở Hà Nội để đi đòi tiền công ty OSC Hải Phòng.
Số lượng chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ngày càng tăng, song công tác quản lý chưa theo kịp.

Ngày 16/7 vừa qua, 8 lao động ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh lại tiếp tục kéo đến Chi nhánh Công ty cổ phần du lịch dịch vụ dầu khí Hải Phòng tại Hà Nội (OSC Hải Phòng) để đòi số tiền 10.433 USD mà chi nhánh này đã thu để làm thủ tục cho họ đi lao động tại Cộng hòa Séc cách đây 3 năm.

Anh Bùi Văn Hồng ở Quang Trung, Kinh Môn (Hải Dương) cho biết, cuối năm 2007 anh và nhiều lao động khác đã đăng ký đi làm việc tại Cộng hòa Séc qua chi nhánh của Công ty OSC Hải Phòng tại Hà Nội. Chi nhánh công ty này đã thu của người lao động nhiều tiền, có người 3.500 USD, người 2.000 USD…Riêng anh Hồng đã đóng 1.433USD và 32 triệu đồng. Nhưng sau đó khi phía Séc dừng không cấp thị thực (visa) cho lao động nước ta, số lao động này không đi được và số tiền đã đóng trở thành khoản nợ khó đòi.

Còn với anh Nguyễn Đình Thập ở Cẩm Giàng, Hải Dương thì để đăng ký tham gia thị trường Séc, anh đã vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 80 triệu đồng với lãi suất 1,18%/tháng (tại thời điểm tháng 11/2007).

Tuy nhiên đến tháng 3/2009, gia đình anh Thập nhận được thông báo của chi nhánh này, giải thích nguyên nhân không làm visa cho lao động sang Séc và yêu cầu anh Thập đổi sang thị trường Nga. Chi nhánh cũng đã cam kết,  nếu lao động không chuyển thị trường, công ty sẽ có trách nhiệm hoàn trả số tiền còn nợ trong vòng từ ngày 25/3 đến 30/7/2009. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, sau rất nhiều lần lao động đã lên tận trụ sở của chi nhánh công ty để đòi lại tiền mà vẫn chưa được giải quyết.

Tương tự, tại Thanh Hóa, hàng trăm lao động tại huyện nghèo Thường Xuân cũng đang hoang mang khi đã nộp tiền cho chi nhánh của hai công ty là Công ty cổ phần nhân lực quốc tế Việt (Vilaco) và Công ty cổ phần nhân lực toàn cầu (Gmas) tại Thanh Hóa, với một bản hợp đồng lao động sang Trung Đông làm việc mà không ghi rõ cụ thể là nước nào.

Trong khi đó, theo quy định, đơn hàng mà doanh nghiệp khai thác và Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định đều ghi rõ tên nước tiếp nhận, không có lý do gì hợp đồng doanh nghiệp ký với người lao động lại ghi một cách chung chung.

Điều ngạc nhiên hơn, với một bản hợp đồng chung chung như thế mà Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa vẫn cho người lao động vay tiền với mức từ 40- 45 triệu đồng/người.

Đến nay, sau nhiều tháng hồ sơ của người lao động vẫn nằm ở chi nhánh các công ty nói trên thì số tiền nợ và tiền lãi của người lao động đang tỷ lệ thuận với những tháng chờ đợi đó.

Với vụ việc của chi nhánh OSC Hải Phòng tại Hà Nội, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục đã liên  tiếp có 3 công văn yêu cầu Công ty OSC Hải Phòng chỉ đạo chi nhánh tại Hà Nội khẩn trương hoàn trả người lao động toàn bộ số tiền đã thu và báo cáo Cục danh sách tổng số lao động đã trúng tuyển nhưng chưa được xuất cảnh đi Cộng hòa Séc, cũng như tổng số tiền đã thu mà công ty chưa hoàn trả lại cho lao động.

Tuy nhiên, đến nay, đã quá thời hạn yêu cầu hơn 1 tháng, người lao động vẫn chưa được giải quyết và Cục cũng chưa nhận được báo cáo của doanh nghiệp.

Trao đổi với VnEconomy về những bất cập từ các chi nhánh của doanh nghiệp xuất khẩu lao động nói trên, lãnh đạo một doanh nghiệp cho rằng, trường hợp như OSC Hải Phòng không phải là chuyện hiếm gặp khi hiện nay trên cả nước không ai thống kê được chính xác có bao nhiêu chi nhánh tuyển chọn, đào tạo nguồn xuất khẩu lao động.

Thậm chí có những địa phương không nắm được trên địa bàn mình có bao nhiêu doanh nghiệp, chi nhánh hoạt động, chưa nói đến chất lượng hoạt động của các chi nhánh. “Phần lớn các doanh nghiệp đều khoán trắng cho chi nhánh trong khi mục tiêu của các chi nhánh chỉ  là số lượng và lợi nhuận”, vị này khẳng định.

Một chuyên gia trong lĩnh vực này cũng tính toán, hiện với 167 doanh nghiệp được cấp phép, tính trung bình, mỗi doanh nghiệp được thành lập 3 chi nhánh, dưới các chi nhánh lại là các trung tâm đào tạo nên số lượng đơn vị làm xuất khẩu lao động thực tế phải tới hơn 500 đơn vị.

Theo ông, với con số “khổng lồ” của các chi nhánh hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nói trên, đến cơ quan chức năng còn khó kiểm soát, quản lý thì người lao động không biết tin ai, phải chịu thiệt thòi cũng là điều dễ hiểu.