13:45 19/10/2022

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: “Điểm tựa” khi lao động gặp nạn

Nhật Dương

Không chỉ là “điểm tựa” quan trọng, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn hỗ trợ kịp thời cho người lao động trong những trường hợp không may gặp biến cố tai nạn lao động…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhờ kinh phí hỗ trợ từ Quỹ đã giúp đỡ về chi phí điều trị, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình người lao động.

HỖ TRỢ, GIẢM GÁNH NẶNG CHI PHÍ ĐIỀU TRỊ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG 

Gặp tai nạn lao động từ năm 2015 do bị xe cán trong nhà máy, anh Phan Đức Tài, quê ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh nhớ lại thời điểm đó cuộc sống bị xáo trộn rất lớn vì anh là lao động chính trong nhà, cả gia đình gần như “điêu đứng” vì số tiền chữa trị quá sức so với hoàn cảnh kinh tế.

Hai vợ chồng anh Tài đều làm công nhân với đồng lương chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Sau khi bị tai nạn lao động, nhờ có sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gánh nặng chi phí đã vơi đi rất nhiều.

Anh Tài kể trước đây không tìm hiểu nhiều về các chế độ bảo hiểm, khi doanh nghiệp yêu cầu đóng những khoản gì thì thực hiện theo, nhưng sau khi bị tai nạn lao động và được hỗ trợ anh mới thấy việc tham gia có ý nghĩa rất quý giá khi gặp sự cố không may.

“Sau khi bị tai nạn lao động tôi mới biết rằng bảo hiểm có lợi ích rất lớn cho người lao động tham gia. Thời gian chữa trị, nhờ có bảo hiểm hỗ trợ khoảng 80% gia đình tôi đã đỡ được rất nhiều chi phí”, anh Tài nói.

Tai nạn lao động đã khiến anh Tài bị mất đi một bên tay phải, hiện anh đang được công ty nơi làm việc tạo điều kiện làm bảo vệ, hỗ trợ lương để mưu sinh dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Cũng là trường hợp bị bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân lao, phổi, chị Nguyễn Thị Thu Minh (Hà Nội), hiện đang phải nghỉ chế độ do mất sức lao động.

Trước đó, chị Minh có 18 năm làm công việc điều dưỡng tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Giao thông vận tải (Hà Nội). Từ năm 2013, do triệu chứng đau cột sống kéo dài, chị Minh được nghỉ mất sức, mỗi tháng nhận trợ cấp hơn 1 triệu đồng.

Theo chị Minh, thời điểm đó, cuộc sống rất vất vả nhưng nhờ có hỗ trợ từ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về chi phí mổ, điều trị, hiện chị đã dần ổn định cuộc sống và tự lo được cho bản thân. “Trong giai đoạn khó khăn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất có ý nghĩa với những lao động khó khăn như chúng tôi, nhờ đó tôi đã vực dậy được tinh thần”, chị Minh nhớ lại.

Căn cứ theo quy định tại Điều 43, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng điều kiện sau: Người lao động bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc giờ làm việc nhưng đang thực hiện công việc theo yêu cầu hoặc người lao động tai nạn trên quãng đường di chuyển từ nơi làm việc đến nhà và ngược lại với tuyến đường hợp lý; người lao động bị suy giảm khả năng lao động tối thiểu 5% sau tai nạn.

TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP AN TOÀN, PHÒNG NGỪA TAI NẠN LAO ĐỘNG , BỆNH NGHỀ NGHIỆP 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 9 tháng năm 2022, cơ quan này đã giải quyết cho 69.696 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; trên 8,5 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Nhờ đó, đã hỗ trợ nhiều người lao động chi phí điều trị, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình khi gặp sự cố tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nói riêng.

Đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 
Đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 

Còn theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các năm gần đây, những mất mát về vật chất, bệnh nghề nghiệp do tai nạn lao động gây ra tuy có giảm nhưng vẫn còn lớn.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 3.908 vụ tai nạn lao động (tăng 296 vụ, tương ứng với 8,19% so với cùng kỳ năm ngoái), làm hơn 4.000 người bị nạn. Tổng số vụ tai nạn lao động này xảy ra ở cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Hậu quả gây hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra gồm các chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương...là trên 2.449 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là trên 48.579 ngày.

Tại lễ phát động Tháng An toàn vệ sinh lao động hồi cuối tháng 4/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng nhận định, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng một cách hiện hữu.

Trong khi đó một bộ phận người sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư đúng mức; không ít người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, dù tập trung phát triển kinh tế nhưng không được quên việc bảo đảm cho mọi người lao động được làm việc trong những điều kiện an toàn, đảm bảo vệ sinh, được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần.

Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 – 2025 cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người; trung bình hằng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt, có trên 80% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật…

Để giữ an toàn cho người lao động trong bối cảnh mức trần làm thêm giờ đã tăng từ 40 giờ lên 60 giờ mỗi tháng ở tất cả ngành nghề, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh, đi kèm với đó cần tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc.