12:49 24/10/2024

Bổ sung trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng phí công đoàn

Nhật Dương

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế, hoặc bất khả kháng sẽ được giảm mức đóng kinh phí công đoàn. Chính phủ sẽ quy định về mức giảm đóng; và trình tự, thủ tục thực hiện...

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

QUY ĐỊNH RÕ TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN, GIẢM, TẠM DỪNG ĐÓNG

Trình bày nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 30 quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Theo đó, trường hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã có tài sản sau khi phân chia, mà không đủ số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn theo quy định, thì được miễn số tiền đó.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện vẫn còn khả năng đóng kinh phí công đoàn, thì thực hiện truy đóng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế, hoặc bất khả kháng thì được giảm mức đóng kinh phí công đoàn.

Trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn, thì được tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.

Hết thời hạn tạm dừng đóng, người sử dụng lao động tiếp tục đóng kinh phí công đoàn, và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng.

Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.

Chính phủ quy định về mức giảm kinh phí công đoàn và trình tự, thủ tục miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; quy định chi tiết các nội dung khác.

Về việc gia nhập công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội thông tin, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định hướng dẫn về trình tự, thủ tục thành lập, hoặc giải thể tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động, để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định các điều kiện chặt chẽ hơn.

Đơn cử như: Bổ sung quy định về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; quy định trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam, và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.

RÀ SOÁT NHIỆM VỤ CHI KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN 

Đề cập đến nội dung quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền và tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, theo hướng bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Đồng thời, rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn. Theo đó, tài chính công đoàn được sử dụng cho các nhiệm vụ như: Thực hiện hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định.

Kinh phí này cũng được dùng để thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác đối với đoàn viên công đoàn và người lao động.

Ngoài ra, còn dùng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê; công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên, người lao động theo quy định của pháp luật...

Bên cạnh đó, lần này cũng không quy định trong Luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động, để bảo đảm linh hoạt, hài hòa. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Về tài sản công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo khoản 1 Điều 3, Điều 28 và Điều 68 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Nguồn hình thành tài sản công tại tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Tài sản bằng hiện vật do Nhà nước giao; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách Nhà nước; từ nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh các tài sản được hình thành từ nguồn tài sản được Nhà nước giao bằng hiện vật, tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, tài sản của công đoàn còn được hình thành từ nguồn vốn của Công đoàn, tài chính công đoàn, nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn, nguồn hỗ trợ của người sử dụng lao động, và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật.

"Thực tế hiện nay, không phân biệt được sở hữu Nhà nước, sở hữu công đoàn và do lịch sử để lại cũng khó có thể tách bạch tài sản của Nhà nước, việc liệt kê tài sản của công đoàn là rất khó", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý theo hướng liệt kê cụ thể tài sản của công đoàn, và thể hiện tại khoản 1 Điều 32 của dự thảo Luật.

Cụ thể, tài sản công đoàn được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn; từ nguồn vốn của công đoàn; tài chính công đoàn; tài sản được Nhà nước giao bằng hiện vật; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách Nhà nước; và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật.