17:35 15/07/2022

Bộ Tài chính đề xuất mạnh tay cắt giảm 10% thuế nhập khẩu với xăng

Ánh Tuyết

Tiếp thu ý kiến các đơn vị, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ, không pha chì mạnh tay hơn, từ 20% xuống còn 10%, thay vì chỉ giảm về mức 12% như đề xuất trước đó. Từ đó, đa dạng hóa nguồn cung, thúc đẩy giảm giá mặt hàng này...

Việc điểu chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa dạng nguồn cung, nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác.
Việc điểu chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa dạng nguồn cung, nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện và có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10. 

Theo Bộ Tài chính, trong tuần đầu tháng 7 năm 2022, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục có xu hướng biến động mạnh, trong đó có những ngày tăng, giảm với biên độ khá lớn nhưng xu hướng chung là vẫn đứng ở mức trên 100 USD/thùng, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Trước diễn biến tăng cao của giá xăng dầu thế giới, trong khi nguồn cung trong nước gặp sự cố kỹ thuật nên Bộ Tài chính sớm dự thảo nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Hiện Bộ Tài chính nhận được 63 công văn tham gia ý kiến của các đơn vị liên quan, trong đó có 16 bộ, cơ quan ngang bộ; 39 Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp hội Xăng dầu... Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến tham gia của bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Các ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương cơ bản nhất trí với đề xuất trình Chính phủ giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng của Bộ Tài chính.

Riêng Bộ Công Thương đề nghị đưa thuế nhập khẩu xăng dầu về cùng mức 8% như mức thuế đang áp dụng cho nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc và ASEAN.

Hiệp hội xăng dầu Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% xuống mức 8%, bằng mức thuế suất FTA hoặc mức 10% và giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng dầu từ 7% xuống 3%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu đánh giá tình hình, năng lực sản xuất xăng dầu trong nước để đề xuất mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng này, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu trong nước và an ninh năng lượng quốc gia.

 

Sau khi tiếp thu ý kiến bộ, ngành, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% thay cho phương án trước đó gửi xin ý kiến, chỉ giảm 8%, từ 20% xuống 12%.

"Việc điều chỉnh này vẫn đảm bảo có được dư địa để đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới trong tương lai và không phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế", Bộ Tài chính lý giải về đề xuất này.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc tỷ trọng xăng E5RON92 và xăng RON95 nhập khẩu chỉ chiếm tương ứng 14,36% và 31,7% lượng xăng tiêu thụ trong nước tính theo số liệu quý 2/2022 và hiện nay xăng đang được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống 10% có thể góp phần giảm giá xăng trong nước nhưng cũng chỉ ở mức thấp.

Tuy nhiên, việc điểu chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó, thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.

Đề xuất giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29).
Đề xuất giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29).

Còn đối với mặt hàng xăng động cơ, có pha chì, hiện nay gần như không có kim ngạch nhập khẩu và trong nước cũng không còn được phép sản xuất, sử dụng mặt hàng này nên Bộ Tài chính đề nghị giữ như mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN như hiện hành.

Đối với mặt hàng dầu, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 7% như hiện hành để không phát sinh nghĩa vụ của Chính phủ trong cam kết  bảo lãnh chính phủ (GGU) với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Hơn nữa, hiện mức thuế nhập khẩu FTA đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với các nước ASEAN và Hiệp định FTA với Hàn Quốc được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể.

Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký để sớm áp dụng ngay, đồng thời, không quy định thời hạn áp dụng.

Bởi, theo lộ trình cam kết thì thuế suất FTA của mặt hàng xăng tại Hiệp định ATIGA sẽ được giảm xuống còn 5% vào năm 2023 và về 0% vào năm 2024 nên việc quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN 10% đối với mặt hàng xăng để áp dụng ổn định cũng là phù hợp, đảm bảo sự chênh lệch hợp lý giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với mặt hàng xăng.

Trường hợp thị trường xăng dầu thế giới có biến động bất thường dẫn đến việc phải điều chỉnh lại mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh phù hợp.

 

Theo Bộ Tài chính, hiện nay tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta vẫn thấp hơn mức bình quân chung so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40 - 55% đối với xăng và 35 - 50% đối với dầu, ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn.

Trong khi đó, ở nước ta, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5RON92, 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.