16:07 02/07/2024

Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm liên tiếp cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh

Ánh Tuyết

Để khuyến khích hộ kinh doanh lớn dần, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Theo đó, dự kiến miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế...

Chính phủ khuyến khích chuyển đổi mô hình từ hộ lên doanh nghiệp.
Chính phủ khuyến khích chuyển đổi mô hình từ hộ lên doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đợt sửa đổi lần này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định miễn thuế đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Cụ thể, tại khoản 4 Điều 15 về các trường hợp miễn, giảm thuế khác, tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính đề xuất quy định theo hướng: “4. Doanh nghiệp quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 10 của Luật này thành lập mới từ hộ kinh doanh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

a) Sau thời gian miễn thuế quy định tại khoản này, trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tương ứng theo quy định tại các Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Luật này.

Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có) quy định tại khoản này, doanh nghiệp thực hiện mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này.

b) Hộ kinh doanh quy định tại khoản này phải đáp ứng điều kiện đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật, đồng thời có thời gian sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 12 tháng tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

c) Doanh nghiệp thành lập mới được miễn thuế, ưu đãi thuế theo quy định tại khoản này là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lần đầu, không bao gồm trường hợp doanh nghiệp thành lập mới mà người đại diện theo pháp luật (trừ trường hợp người đại diện theo pháp luật không phải là thành viên góp vốn), thành viên hợp danh hoặc người có số vốn góp cao nhất đã tham gia hoạt động kinh doanh với vai trò là người đại diện theo pháp luật, thành viên hợp danh hoặc người có số vốn góp cao nhất trong các doanh nghiệp đang hoạt động hoặc đã giải thể nhưng chưa được 12 tháng tính từ thời điểm giải thể doanh nghiệp cũ đến thời điểm thành lập doanh nghiệp mới".

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết để phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII nêu rõ phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong đó có nội dung: “Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh...”

Bên cạnh đó, tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có quy định về nguyên tắc xem xét áp dụng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Theo đánh giá chung của Bộ Tài chính, các hộ kinh doanh không muốn chuyển sang thành lập doanh nghiệp vì đang được thực hiện theo cơ chế thuế khoán đơn giản, dễ dàng hơn, không phải thực hiện chế độ kế toán, không phải đóng bảo hiểm cho người lao động...

Theo thống kê của Bộ Tài chính, số lượng các hộ kinh doanh lớn, hoạt động chưa minh bạch. Hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế và khoảng hơn 2 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng đi đôi với các lợi thế của hộ kinh doanh so với doanh nghiệp thì hộ kinh doanh cũng có những bất lợi, nhược điểm nhất định do chính mô hình kinh doanh đơn giản, không có tư cách pháp nhân.

Bởi hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên quyền kinh doanh bị hạn chế trong các giao dịch cần đơn vị có tư cách pháp nhân; đồng thời không được hoạt động ở một số lĩnh vực yêu cầu về điều kiện kinh doanh như ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm...

Hộ kinh doanh cũng phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động kinh doanh nên chủ sở hữu có thể xảy ra tình trạng mất hết tài sản cá nhân thậm chí cả trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, mô hình kinh doanh đơn giản, không có tư cách pháp nhân nên khó có thể huy động vốn chính thức từ các kênh khác như: cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu… cũng như không giữ được giá trị, thương hiệu của hộ kinh doanh khi chủ sở hữu qua đời hoặc mất năng lực.

Do đó, để khuyến khích các đối tượng này chuyển đổi sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp, cùng với việc thực hiện các giải pháp về đơn giản hóa chế độ kế toán, phương pháp tính thuế..., Bộ Tài chính cho rằng cần bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.

Đồng thời, lưu ý các điều kiện đi kèm, đảm bảo việc thực hiện chính sách đúng đối tượng, tránh lợi dụng.

Vì vậy, để góp phần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thành lập từ hộ kinh doanh tích tụ vốn, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường tính công khai, minh bạch và lành mạnh nền kinh tế, Bộ Tài chính cho rằng có thể xem xét miễn thuế trong 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.

Mức này tương đương với mức miễn thuế đối với dự án đầu tư mới thuộc một số ngành, nghề ưu đãi hoặc tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

"Đồng thời cần quy định rõ về điều kiện hưởng ưu đãi, về chuyển tiếp sau thời gian miễn thuế này để đảm bảo minh bạch, thống nhất, đồng bộ với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo chính sách ưu đãi đúng đối tượng, tránh lợi dụng", dự thảo nêu.