18:51 08/08/2021

Bộ Tài chính kiến nghị chi bổ sung thu nhập cho cán bộ Ngân hàng Nhà nước

Việc phân phối thu nhập đồng đều như hiện nay không đảm bảo tính công bằng giữa các bộ phận đã không tạo ra động lực khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ trong những lĩnh vực có tính đặc thù của Ngân hàng Nhà nước...

Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi mức bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức từ chênh lệch thu chi.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, quy định tại Quyết định số 07, Thông tư số 195/2013/TT-BTC thì Ngân hàng Nhà nước được sử dụng phần kinh phí tiết kiệm được do thực hiện khoán chi và trích từ chênh lệch thu, chi để chi bổ sung thu nhập cho cán bộ tối đa 0,8 lần lương, phụ cấp lương thực tế thực hiện trong năm không bao gồm phụ cấp công vụ. Trong đó, mức bổ sung từ chênh lệch thu chi tối đa không quá 0,55, phần còn lại được bổ sung từ nguồn kinh phí tiết kiệm kinh phí khoán.

Vì vậy, cơ chế tiền lương của cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước đang được hưởng tối đa 2,8 lần lương cơ bản, gồm 01 lần tiền lương, 01 lần từ khoản chi khen thưởng phúc lợi và tối đa 0,8 lần chi bổ sung thu nhập.

Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng Nhà nước thực hiện giao khoán kinh phí cho các đơn vị trực thuộc theo cơ chế phân chia đồng đều như nhau, chưa xây dựng được cơ chế tiền lương và phân phối thu nhập nội bộ.

“Việc phân phối thu nhập đồng đều không đảm bảo tính công bằng giữa các bộ phận (giữa các bộ phận có mức độ công việc phức tạp cao hoặc đem lại hiệu quả về kinh tế như chính sách tiền tệ, cơ quan thanh tra giám sát, Sở giao dịch với các bộ phận làm việc hành chính đơn thuần như các bộ ngành khác) đã không tạo ra động lực khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ. Nhất là những cán bộ có trình độ, năng lực và công tác trong những lĩnh vực có tính đặc thù của Ngân hàng Nhà nước”, Bộ Tài chính đánh giá.

Với lý giải trên, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định kinh phí bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước từ chênh lệch thu chi được xác định theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước được giao trong năm (là tỷ lệ giữa chênh lệch thu chi thực tế nộp ngân sách nhà nước trong năm và chênh lệch thu chi nộp ngân sách nhà nước được giao).

Thẩm quyền phê duyệt phương án khoán là Thủ tướng Chính phủ và được thực hiện hàng năm. Ngân hàng Nhà nước lập phương án khoán, gửi Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Tài chính cho rằng không có tác động tiêu cực nào xảy ra. Trong khi đó, việc thay đổi sẽ có tác động tích cực là việc quy định kinh phí bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức từ chênh lệch thu chi được xác định theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước được giao trong năm sẽ khuyến khích Ngân hàng Nhà nước tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch tài chính và dự toán nộp ngân sách nhà nước.