19:14 06/04/2022

Bộ Tài chính nói gì trước những bất ổn trên thị trường tài chính vừa qua?

Ánh Tuyết

Bộ Tài chính vừa phát đi thông tin khẳng định quyết tâm thanh lọc thị trường tài chính trước những hành vi lũng đoạn, gian dối, lừa đảo nhà đầu tư trong thời gian qua...

Trái phiếu "rởm" gây nhức nhối trên thị trường tài chính hiện nay. Ảnh: Sưu tầm
Trái phiếu "rởm" gây nhức nhối trên thị trường tài chính hiện nay. Ảnh: Sưu tầm

Theo Bộ Tài chính, năm 2021 chứng kiến tốc độ thăng hoa của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với mức tăng lên tới 42% so với cùng kỳ, đưa khối lượng phát hành đạt kỷ lục gần 659.000 tỷ đồng.

Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm 2022 tăng 13,78% so với cùng kỳ, đạt 8.696 tỷ đồng, chiếm 21,9% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 24,17%, đạt 30.998 tỷ đồng, chiếm 78,09% tổng giá trị phát hành.

Trong tháng 3, nhóm bất động sản chiếm phần lớn khối lượng phát hành gần 1.691 tỷ đồng, với tỷ lệ 46,7%. Công ty cổ phần Bất động sản Hano-vid là doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất trong nhóm với 1.000 tỷ đồng qua 2 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 7 năm. 

Tuy nhiên, trước những bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, không chỉ khiến nhà đầu tư bất an mà còn đe doạ an ninh tài chính quốc gia, cơ quan quản lý đã có những động thái quyết liệt trong việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; liên tiếp đưa ra các cảnh báo và thậm chí "tuýt còi", dẹp loạn hàng loạt doanh nghiệp. 

LIÊN TỤC "RUNG CHUÔNG" CẢNH BÁO NHÀ ĐẦU TƯ

Song song, trong tháng 12/2021, Bộ Tài chính gấp rút đánh giá tình hình thị trường để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, mặc dù nghị định này mới có hiệu lực một năm.

Trước đó, nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và góp phần giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành một số văn bản nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý.

Cụ thể, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

 

“Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Do đó, phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu”, Bộ Tài chính nhấn mạnh trong khuyến cáo.

Bộ Tài chính cũng ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 118/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 hướng dẫn một số nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và hủy tư cách công ty đại chúng; Thông tư số 122/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế...

Nhận diện rõ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính liên tục phát đi các thông tin cảnh báo về những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ từng khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu…

Ngoài ra, bộ cũng cảnh báo nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.

Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó, không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không; thay vào đó, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

CHUYỂN CÔNG AN KHI CÓ DẤU HIỆU LỪA ĐẢO

Trước tình trạng trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, Bộ Tài chính liên tục chỉ đạo các cơ quan liên quan trọng việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, tại văn bản số 13838/BTC-VP ngày 3/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Tại văn bản này, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trương xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý.

Đồng thời, tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. 

 

"Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật", Bộ Tài chính lưu ý.

Trước đó, ngày 10/9/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn gửi các công ty chứng khoán nhắc nhở về việc tuân thủ Nghị định 153.

Không chỉ dừng lại ở cảnh báo, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại hàng loạt công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành.

Mới đây nhất, như VnEconomy đưa tin, ngày 4/4, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ; căn cứ quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 153.

Ngày 3/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty trên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Trước đó, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp là 2 tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Qua các đoàn kiểm tra, cơ quan quản lý tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nặng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group. Đồng thời, xử phạt Công ty Chứng khoán VIS.

Vào thời điểm đó, bên cạnh việc xử phạt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để tiếp tục xem xét các trường hợp vi phạm.

BÁO CÁO TÀI CHÍNH BỊ BÓP MÉO, KIỂM TOÁN THIẾU TRÁCH NHIỆM

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, có tình trạng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót, kể cả một số trường hợp có ý kiến chấp nhận toàn phần của doanh nghiệp kiểm toán.

Do vậy, mới đây, Bộ Tài chính cũng có công văn số 3065/CV-QLKT yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề và các thành viên nhóm kiểm toán thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung về pháp luật kiểm toán.

 

"Những sự việc vừa qua cũng cho thấy, một số doanh nghiệp đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch, bên cạnh đó các cơ quan kiểm toán độc lập không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những thông tin sai lệch của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư", Bộ Tài chính lo ngại.

Theo đó, trong quá trình thực hiện kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán và các kiểm toán viên hành nghề phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, thực hiện đúng quy trình kiểm toán, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Tăng cường soát xét, đảm bảo thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán theo đúng yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, luôn đề cao tính hoài nghi nghề nghiệp trong việc thực hiện kiểm toán.

Bộ Tài chính yêu cầu nghiêm túc triển khai áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp kiểm toán quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ theo yêu cầu tại Chuẩn mực về Kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác (VSQC1), kể cả trụ sở chính và tất cả các các chi nhánh...

Trước đó, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.

Theo đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, công chúng, góp phần phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán.

Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật...