Bộ Tài chính nói gì về hai "đại dự án" metro tắc vốn ở Thành phố Hồ Chí Minh?
Bộ Tài chính cho biết, vướng mắc ở 2 dự án này là do chậm trễ trong việc triển khai và trả lời các kiến nghị của nhà tài trợ...
Bộ Tài chính cho biết vừa nhận được văn bản kiến nghị từ UBND TP. Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề tháo gỡ khó khăn về vốn để đảm bảo tiến độ xây dựng 2 tuyến metro số 1 và 2.
Để thúc đẩy giải quyết dứt điểm vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng UBND TP. Hồ Chí Minh cần thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định số vốn cấp phát cho dự án phù hợp với cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay khi dự án được giao kế hoạch vốn cấp phát và có đề nghị rút vốn, Bộ Tài chính sẽ thực hiện rút vốn.
Theo Bộ Tài chính, đối với tuyến metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh vướng mắc trong việc xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương theo JPY (Yên Nhật) hay VNĐ (Việt Nam Đồng), cũng như tỷ giá quy đổi giữa 2 loại đồng tiền, để xác định chính xác giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương.
Theo trên, về vấn đề tỷ lệ cấp phát, cho vay lại, căn cứ ý kiến đồng thuận của TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về tỷ lệ cấp phát dự án là 67,5%/tổng vốn vay theo tổng mức đầu tư ban đầu, phần tổng mức đầu tư tăng thêm áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ.
Đối với tuyến metro số 2, Bến Thành - Tham Lương, căn cứ các Quyết định của UBND TP. HCM và quyết định của các cấp có thẩm quyền về việc phê duyệt dự án, Bộ Tài chính đã ký các Hiệp định vay từ các nguồn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho dự án.
"Với dự án metro số 2, Bến Thành - Tham Lương, phần lớn giá trị vốn vay đã cam kết phải hủy và mới chỉ giải ngân cho chi phí tài chính, khoảng 40,34 triệu USD, chưa giải ngân cho xây lắp, mua sắm thiết bị. Đến nay, toàn bộ các Hiệp định vay tài trợ dự án đều đã hết hạn giải ngân hoặc đã hủy".
Bộ Tài chính.
Đối với dự án metro số 2, Bến Thành - Tham Lương, Bộ Tài chính đánh giá tiến độ thực hiện dự án cũng rất chậm. Đối với việc gia hạn thời gian giải ngân dự án từ nguồn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tại thư ngày 5/8/2021 gửi Bộ Tài chính, KfW chỉ đồng ý gia hạn thời hạn giải ngân của phần vốn viện trợ không hoàn lại đến ngày 30/12/2026.
Đối với phần vốn vay, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được ý kiến đồng thuận của KfW về việc gia hạn và điều chỉnh lịch trả nợ gốc.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP. HCM cập nhật về tiến độ triển khai dự án đến nay và có ý kiến về các đề xuất của KfW nêu tại thư ngày 5/8.
Đồng thời, UBND TP. Hồ Chí Minh cần có đề xuất ý kiến trao đổi với KfW về trách nhiệm trả phí cam kết đối với phần vốn vay theo quy định của Thỏa thuận vay trong giai đoạn từ khi hết hạn giải ngân vào ngày 30/12/2020 đến khi KfW đồng ý tiếp tục gia hạn thời hạn giải ngân, ở mức 0,25%/năm tính trên số vốn chưa rút, trong trường hợp KfW đồng ý việc gia hạn đối với phần vốn vay.
Bộ Tài chính cho biết căn cứ ý kiến trả lời của UBND TP. Hồ Chí Minh về nội dung trên, cơ quan này sẽ tiếp tục trao đổi với KfW về việc gia hạn thời hạn giải ngân khoản viện trợ và khoản vay. "Vướng mắc lớn nhất hiện nay là Ban Quản lý dự án và UBND TP. HCM chậm trễ trong việc triển khai dự án và trả lời các kiến nghị của nhà tài trợ", Bộ Tài chính nêu rõ.
Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là tuyến metro đầu tiên TP. HCM được phê duyệt năm 2007 nhưng nhiều lần điều chỉnh vốn đến năm 2012 mới khởi công và có mốc hoàn thành vào năm 2015. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, với chiều dài toàn tuyến gần 20 km, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Sau nhiều lần trễ hẹn, công trình được kỳ vọng hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2021 nhưng đến nay với việc ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án lại lùi tiến độ đến cuối năm 2023, đầu năm 2024 mới xong. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP. HCM, đến thời điểm này, tuyến metro số 1 đã đạt 87,5% khối lượng toàn dự án, dự kiến đạt 91% vào cuối năm 2021.
Dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt vào năm 2010 với tổng mức đầu tư 1,37 tỷ USD và dự kiến thời gian hoàn thành tuyến metro vào năm 2018. Do vướng nhiều thủ tục nên mãi đến năm 2019, dự án mới được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 2,1 tỷ USD, tương đương gần 47.900 tỷ đồng dài hơn 11 km. Công trình dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2026.
Khoản vay của KfW tài trợ cho dự án metro số 2 có giá trị 240,75 triệu euro, tương đương 313 triệu USD được chia thành 2 hiệp định vay ký vào năm 2011. Dự án đang được tập trung triển khai công tác khảo sát, thiết kế và dự kiến cuối năm nay khởi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi xây dựng.