Bộ Tài chính phân bua vụ truy thu thuế nhập khẩu trứng Artemia
Nhiều doanh nghiệp nuôi tôm trong nước "sốc" khi bị Hải quan truy thu thuế nhập khẩu trứng Artermia
Trước phản ứng của dư luận về việc Bộ Tài chính ban hành chính sách thuế nhập khẩu mới với mặt hàng trứng Artermia làm thức ăn cho tôm, chiều ngày 10/8, Bộ đã phát đi lời giải thích.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nuôi tôm trong cả nước "sốc" khi bị Hải quan truy thu thuế nhập khẩu trứng Artermia.
Nguyên nhân là trước đây một số doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này được tính mức thuế nhập khẩu bằng 0%, nay đột nhiên bị áp mức thuế 5% và bị truy thu.
Theo giải thích của Bộ Tài chính đó là do các doanh nghiệp áp mã số hàng hoá sai.
Cụ thể, mã số hàng hóa quy định tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi Việt Nam và việc phân loại hàng hóa của Hải quan Việt Nam được tuân thủ hoàn toàn theo Công ước quốc tế về mô tả và mã hóa hàng hóa (Công ước HS), Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN.
Tham gia quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết là thành viên của Tổ chức Hải quan Thế giới và Tổ chức Hải quan ASEAN, đồng thời đã ký kết Công ước HS.
Do đó việc phân loại hàng hóa không chỉ được thực hiện thống nhất trong các đơn vị hải quan cả nước mà còn thống nhất với các quốc gia trên thế giới, đảm bảo mỗi mặt hàng chỉ có một mã số.
Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, mặt hàng trứng Artemia còn sống, dùng làm thức ăn cho tôm được phân loại vào nhóm 05.11, mã số 0511.91.00, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 5%.
Hiện các quốc gia trên thế giới cũng phân loại thống nhất mặt hàng này vào nhóm 0511 và trên thực tế, đa số các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này đã phân loại đúng theo mã số 0511.91.00.
Theo số liệu báo cáo của Cục Hải quan các tỉnh thành phố thì từ năm 2009-2015, có khoảng hơn 30 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng trứng Artemia, trong đó, khoảng hơn 20 doanh nghiệp nhập khẩu với kim ngạch chiếm 84% tổng số kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này khai báo mã số 0511.91.00 với mức thuế suất 5%.
Còn lại chưa đến 10 doanh nghiệp nhập khẩu với kim ngạch chiếm 15% tổng số kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này khai báo vào nhóm 23.09 với mức thuế suất 0%.
Như vậy, việc cơ quan Hải quan truy thu các doanh nghiệp khai báo mã số chưa đúng là đúng quy định của pháp luật và đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp đã nhập khẩu mặt hàng này.
Còn về việc ban hành Thông tư số 98/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu trứng Artemia từ 5% xuống 3%, Bộ Tài chính lý giải, theo quy định tại biểu khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì mặt hàng trứng Artemia có mức cao nhất là 5%, mức cam kết trần WTO là 5%.
Do đó, sau khi nhận được kiến nghị của Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc điều chỉnh thuế suất với mặt hàng này, Bộ Tài chính đã dự thảo văn bản và gửi xin ý kiến các Bộ gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì việc điều chỉnh thuế nhập khẩu mặt hàng này phải đảm bảo tính khả thi và phù hợp với Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 là không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra mặt hàng này là mặt hàng trong nước đã sản xuất được...
Như vậy, qua số liệu của Tổng cục Thủy sản thì nhu cầu trong nước đối với mặt hàng này khoảng trên 200 tấn, trong đó sản xuất trong nước đã đáp ứng 20% nhu cầu.
Do vậy, Bộ Tài chính thấy cần có mức thuế hợp lý để vừa khuyến khích bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, vừa khuyến khích mặt hàng tôm giống phát triển.