Bộ trưởng Bộ Tài chính: Lãng phí đầu tư công là do ăn bớt khối lượng chứ không phải do định mức
Với ý kiến của đại biểu về định mức đầu tư công có thể gây lãng phí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ quan điểm lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà nằm ở triển khai như ăn bớt khối lượng, ăn bớt chất lượng trong thi công, để công trình lãng phí kéo dài...
Sáng 6/11, các thành viên Chính phủ, trường ngành trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội với các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng.
LÃNG PHÍ ĐẦU TƯ CÔNG DO ĂN BỚT
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá của các tổ chức quốc tế về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đến nay là như thế nào? Đâu là điểm mạnh trong hệ số tín nhiệm quốc gia, Chính phủ có giải pháp gì để cải thiện mức tín nhiệm quốc gia hướng với mục tiêu xếp hạng đầu tư, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy khả năng huy động vốn?
Về tín nhiệm quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua tín nhiệm quốc gia Việt nam được thế giới đánh giá cao. Nếu như một số quốc gia bị hạ điểm thì Việt Nam được đánh giá nâng hạng với mức “triển vọng và ổn định”, hay BB+. Điêu này lên tạo niềm tin cho các quỹ tài chính, quỹ đầu tư đổ tiền vào nền kinh tế và thúc đẩy phát triển.
Vừa qua trong chuyến công tác tại Mỹ, Bộ trưởng Phớc có làm việc tổ chức như NP và Moody và cho thấy các tổ chức này đều đánh giá cao thị trường tài chính Việt Nam, tin tưởng năng động phát triển và khuyến nghị cho Việt Nam. Đặc biệt các tổ chức này có đặt ra các câu hỏi về giải quyết vấn đề nợ tín dụng nợ xấu tăng cao, nợ trái phiếu quá hạn, giải ngân đầu tư công, quan điểm về xử lý thị trường bất động sản…và đều hài lòng và tin tưởng về những giải pháp đề ra của Việt Nam.
Bộ Tài chính cùng các cơ quan như Ủy ban chứng khoán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với ý kiến của đại biểu về định mức đầu tư công có thể gây lãng phí, Bộ trưởng Phớc bày tỏ quan điểm lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà nằm ở triển khai như ăn bớt khối lượng, ăn bớt chất lượng trong thi công, để công trình lãng phí kéo dài, quá trình triển khai dài, triển khai chậm… gây lãng phí. Định mức đã triển khai nhiều năm nên chặt chẽ. Lãng phí là công trình chưa đi vào sử dụng, quá trình đầu tư hoặc vốn chờ công trình.
Về tiết kiệm trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, về vấn đề đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí. Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.
MỖI DỰ ÁN ODA MẤT 2 NĂM MỚI XONG THỦ TỤC
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay kết quả thực hiện được rất thấp.
Ngoài hai quy hoạch lớn là quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch đất thì quy hoạch vùng mới đạt được có 1/6, 16/31 quy hoạch ngành và 13/63 quy hoạch tỉnh. Điều này cũng gây khó khăn cho các địa phương trong việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng như các dự án đầu tư công. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân của những chậm trễ và giải pháp cho cái vấn đề này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 61, các vướng mắc cơ bản được tháo gỡ, đến nay, tiến độ đang được triển khai khẩn trương và nhanh. Hiện đã có 111 quy hoạch tất cả trong hệ thống quy hoạch quốc gia, từ quốc gia đến cấp tỉnh, đã hoàn thành việc thẩm định và trình thẩm định và đã phê duyệt tổng số 106/111 quy hoạch. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan liên quan.
Còn hai vấn đề, thứ nhất là đang tồn đọng lại các dự án chúng ta đã thẩm định xong nhưng lại phải mất cái thời gian để hoàn thiện, phải tiếp thu ý kiến của Hội đồng và hoàn thiện lại hồ sơ, trình Thủ tướng, vì vậy mất rất nhiều thời gian. Thứ hai là quy hoạch về thăm dò và khai thác khoáng sản phóng xạ do Bộ Công thương đang đề nghị xin không lập vì không có cơ sở dữ liệu về vấn đề này.
Còn 4 quy hoạch của địa phương, trong đó có 2 quy hoạch rất khó là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đây là hai cực tăng trưởng, có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức nghe riêng trước khi Hội đồng thẩm định họp. Còn quy hoạch Bình Dương và Đồng Nai, Bộ trưởng cho biết đang tiến hành đôn đốc và cơ bản hoàn thành trong năm 2023.
Về câu hỏi của đại biểu về dự án ODA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết vẫn chậm so với yêu cầu. Ngoài nguyên nhân chung như với các dự án đầu tư công, các dự án ODA còn có thêm các quy định phức tạp của nước ngoài, điều chỉnh dẫn đến mất nhiều thời gian.
Các dự án ODA hoàn chỉnh thủ tục theo yêu cầu nước ngoài thì lại phải làm thủ tục theo yêu cầu trong nước nên mất rất nhiều thời gian. Nghị định cần có nghiên cứu căn cơ hơn nữa để vừa đảm bảo chặt chẽ nhưng vẫn đẩy nhanh thủ tục. "Bình quân mỗi dự án chuẩn bị mất 2 năm mới xong thủ tục, nếu phải điều chỉnh thì phải mất thêm 1-2 năm nữa, đặc thù rất phức tạp", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.