08:42 12/11/2008

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ sửa cơ chế tài chính với tập đoàn, tổng công ty

Minh Thúy

Hạnh phúc nhất là cân đối ngân sách mà không phải bội chi, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn - Ảnh: VNN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn - Ảnh: VNN.
Giải pháp bảo đảm an ninh tiền tệ, điều hành giá và chính sách thuế thời gian qua là hai nhóm vấn đề Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tập trung trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 11/11.

Hạnh phúc nhất là cân đối ngân sách mà không phải bội chi, ông Vũ Văn Ninh nói trước Quốc hội.

Mở đầu phần chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Ninh, đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) đặt câu hỏi về trách nhiệm trước hậu quả của việc giảm thuế nhập khẩu một số sản phẩm chăn nuôi.

Bà Mai cũng dẫn con số 2 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi và thịt gia cầm để chất vấn.

Khẳng định không có gì là sai trong chuyện này, Bộ trưởng Ninh cũng cho biết “trên thực tế không có con số nào nhập khẩu đến 2 tỷ USD hàng phụ phẩm”.

“Tôi lấy số liệu của Cục Chăn nuôi, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 6 tháng đầu năm là 3,5 triệu tấn, nhập khẩu 1,52 tỷ USD và các loại thịt 0,321 tỷ USD, tôi cộng lại là gần 2 tỷ”, bà Mai giải thích và thể hiện thái độ: “Bộ trưởng trả lời như vậy tôi rất buồn, vì vấn đề giảm thuế làm cho dân rất điêu đứng”.

Lạm phát giảm, sao giá vẫn tăng?

Trong thời gian 100 phút, với cách điều hành tạo điều kiện để người chất vấn “truy” rõ trách nhiệm, nhiều vấn đề bức xúc của cử tri và đại biểu đã được “trao đi đổi lại” rõ hơn.

Chuyện xăng tăng giá đột ngột, giảm nhỏ giọt và nhiều mặt hàng khác đang bị đầu cơ khiến người tiêu dùng chịu thiệt được nhiều đại biểu "đeo bám" Bộ trưởng Ninh khi chất vấn.

“Có một nghịch lý là lạm phát đã được kiềm chế nhưng một số hàng hoá, sản phẩm dịch vụ không giảm mà còn tăng. Doanh nghiệp liên kết nhau làm giá, móc túi người tiêu dùng. Bộ trưởng có biện pháp mạnh gì để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng?", Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) nêu vấn đề.

“Có mặt hàng chưa hạ ngay được”, ông Ninh trả lời, và giải thích thêm về thời gian dự trữ xăng dầu, khi đưa ra bán lẻ thì phải tính giá bình quân của 30 ngày trước.

Đại biểu  Bạch Mai chưa hài lòng: “Có độ trễ nhưng trễ cũng phải có giới hạn! Chính phủ làm gì để kiểm soát đầu vào không để doanh nghiệp bắt tay làm giá?”

Liên quan đến giải pháp bảo đảm an ninh tài chính và tiền tệ, đại biểu Đặng Thuần Phong ( Bến Tre) hỏi: "Đến thời điểm này có thể trả chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước về cho Bộ Tài chính được chưa? Vì Ngân hàng vừa kinh doanh tiền tệ, vừa quản lý Nhà nước về tiền tệ là quá đặc quyền".

Nhận xét câu hỏi “quả tình là rất khó”, Bộ trưởng giải thích: theo thể chế của chúng ta thì Ngân hàng Nhà nước làm cả hai chức năng vừa quản lý nhà nước, vừa làm chức năng của ngân hàng Trung ương thì  nhiệm vụ đó cũng là hợp lý.

Phần “trao đổi thêm” của nhiều vị đại biểu cũng thể hiện sự chưa nhất trí cao với một số nội dung Bộ trưởng đã trả lời. Nhất là các vấn đề về giá xăng dầu, giải ngân vốn đầu tư…

Sửa đổi cơ chế tài chính với tập đoàn, tổng công ty

Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã kiểm điểm việc thực  hiện lời hứa tại kỳ họp trước  khá rõ ràng và rành mạch.

Liên quan đến mô hình tập đoàn kinh tế, sau kỳ họp thứ ba của Quốc hội, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp, các tập đoàn báo cáo tổng kết liên quan đến vấn đề về tài chính.

Bộ đã có tờ trình với Thủ tướng Chính phủ trước mắt cho sửa đổi một số nội dung về cơ chế tài chính đối với các tập đoàn, các tổng công ty theo hướng khống chế tỷ lệ huy động vốn cho các doanh nghiệp; khống chế tỷ lệ đầu tư ở trong lĩnh vực chính và đầu tư ra ngoài; nghiêm cấm các doanh nghiệp đầu tư vào những quỹ mạo hiểm và rủi ro lớn…, ông Ninh trình bày.

Bộ trưởng cũng cho biết trong năm 2008 để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội thì các bộ, ngành và riêng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa gần 20 chế độ liên quan đến vấn đề an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, nâng học bổng, hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ phòng, chống thiên tai khắc phục hậu quả của bệnh dịch, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp Chương trình 135....

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng “chấm điểm”: những việc mà lần trước đã hứa, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chuẩn bị khá kỹ và phải nói là trả lời cũng tương đối nghiêm túc và cụ thể.