12:59 07/09/2021

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Đã là ứng dụng số thì phải 100% người dùng"

Phạm Vinh

Đã là nền tảng thì phải là dùng chung toàn ngành, toàn quốc; còn đã là ứng dụng số thì phải là 100% người dùng… đó là tiêu chí đánh giá sự thành công của một nền tảng số…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Covid-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Covid-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số.

Nhấn mạnh tiêu chí đánh giá sự thành công của một nền tảng số tại Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đã là nền tảng thì phải là dùng chung toàn ngành, toàn quốc; và ứng dụng số thì phải là 100% người dùng.

Đã là nền tảng số, ứng dụng số thì người thực thi mà không sử dụng thì không thể làm việc được.

Theo ông Hùng, từ trước đến nay, chúng ta ít chú trọng đến mục tiêu cuối cùng là mọi người dùng sử dụng mà chỉ chú trọng đến mục tiêu trung gian là có phần mềm.

“Viết được một phần mềm chạy được nếu công sức là 1 thì để phần mềm đó được người dùng chấp nhận thì công sức sẽ là 10, triển khai phần mềm đó đến 100% người dùng thì công sức sẽ là 100. Vậy nên, cần phải nhắm đến mục tiêu cuối cùng. Dù có làm ít nền tảng, ít ứng dụng cũng được. Đã làm thì làm đến nơi. Đây là thay đổi căn bản nhất của thời công nghệ số so với thời công nghệ thông tin”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng, Covid-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ là giải pháp tình huống để ứng phó với Covid mà còn là một giải pháp lâu dài, có tính chiến lược. Ứng dụng công nghệ số để chống dịch phải là khởi đầu cho việc ứng dụng công nghệ số lâu dài trong phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của các đơn vị, các địa phương.

Hơn nữa, để đi đến đích cuối cùng thì có thể phải đi qua các mục tiêu trung gian. Nhưng có nhiều con đường để đi đến đích cuối cùng. Nếu làm không khéo trong việc đặt ra các mục tiêu trung gian thì có thể hoặc là làm mất đi sự sáng tạo của người làm, hoặc là làm quên đi mục tiêu cuối cùng.

Ông Hùng chia sẻ rằng, gần đây chúng ta đặt ra quá nhiều các mục tiêu trung gian mà quên đi mục tiêu cuối cùng. Các mục tiêu trung gian thì thường liên quan đến phương tiện, công cụ để thực hiện. Không được nhầm lẫn đâu là mục tiêu, đâu là phương tiện. Càng không được biến phương tiện thành mục tiêu.

Để quản lý mục tiêu, ông Hùng đề nghị lãnh đạo các đơn vị trong Bộ cần quản lý mục tiêu nhiều hơn là quản lý cách làm. Đặt ra mục tiêu, xây dựng hệ thống giám sát, đôn đốc nhắc nhở thường xuyên, tạo cơ chế mới cho phát triển, thay cán bộ kém, đó là những việc lãnh đạo làm. Hiện nay, chúng ta đang đặt ra mục tiêu không rõ ràng nhưng lại bàn nhiều về cách làm.

“Bàn cách làm cho bên dưới là đang làm rối việc của bên dưới, làm mất đi sự sáng tạo của bên dưới. Càng xa cơ sở mà càng bàn sâu cách làm của cơ sở là làm phức tạp hoá vấn đề. Nhưng việc phổ biến kinh nghiệm tốt của cơ sở thì lãnh đạo lại nên làm", ông nói.

Việc đầu tư một số hạ tầng, nền tảng dùng chung cho cả đơn vị thì nên làm. Càng phân tán, càng phân quyền thì lại càng phải tập trung. “Cái kém nhất ở ta vẫn là đo lường và giám sát. Phân quyền là cho cấp dưới chủ động ra quyết định, nhất là về cách làm, cách đạt được mục tiêu.”, ông Hùng nói.

Cuối cùng, theo ông Hùng, cái tạo nên cuộc sống này chính là sự đa dạng và cuộc sống chính là sự đa dạng. Thống nhất mà không đa dạng thì không phát triển. Đa dạng mà không thống nhất thì không bền vững. Đa dạng trong thống nhất thì phát triển bền vững. Sự thống nhất ở đây chính là mục tiêu chung. Mục tiêu chung đó chính là sự phát triển của ngành thông tin và truyền thông, sự phát triển của đất nước Việt Nam hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc.