Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước vào chuyển đổi số”
Và năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới về hạ tầng số, dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số báo chí...
Chiều ngày 22/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của tổ chức chiều 22/12 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
DOANH THU NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TĂNG TRƯỞNG 9%
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành Thông tin và Truyền thông đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, năm 2021, doanh thu ngành thông tin và truyền thông đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020, mức tăng trưởng gấp từ 3,6-4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng 2%-2,5% GDP của quốc gia.
Trong đó, chiếm tỉ trọng đóng góp lớn nhất cho doanh thu toàn ngành là từ công nghiệp ICT, với doanh thu năm nay ước đạt hơn 136 tỉ USD, tăng hơn 11,4 tỉ USD so với năm 2020. Trong số này, đóng góp chính là doanh nghiệp FDI với hơn 117 tỉ USD.
Cũng trong năm 2021 ghi dấu ấn bởi số lượng doanh nghiệp ICT tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, Việt Nam hiện có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng chính những thách thức do dịch bệnh gây ra đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.
Công tác truyền thông, báo chí đã phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tuyên truyền cách làm đúng, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến; đúc kết những bài học kinh nghiệm để phổ biến rộng rãi, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên...
Chính trong quá trình chuyển đổi số này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nền kinh tế số.
Định hướng đến năm 2025, bộ đặt mục tiêu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông có sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang "Make in Viet Nam", tức làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ và sáng tạo công nghệ. Trong đó, tỉ trọng "Make in Viet Nam" vào năm 2025 đạt trên 45%.
Thời điểm đó, cả nước sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỉ USD. Cả nước có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên một tỉ USD.
Công tác truyền thông, báo chí đã phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tuyên truyền cách làm đúng, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm tử tế, đúc kết, khái quát những bài học kinh nghiệm để phổ biến rộng rãi, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên...
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ ĐỘNG LỰC CỦA PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Nhắc lại sứ mệnh kế thừa và phát huy truyền thống của ngành bưu điện trước đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành Thông tin và Truyền thông không chỉ tiên phong mở đường mà còn phải đồng hành, thúc đẩy các ngành, địa phương phát triển.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong công cuộc chống dịch, phát triển kinh tế xã hội năm qua, báo chí truyền thông đã đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau động viên người dân, doanh nghiệp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong chống dịch Covid-19, chúng ta đã huy động được toàn dân tham gia. Kể cả trong những thời khắc khó khăn nhất thì niềm tin và sự đồng hành của người dân Việt Nam với các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong chống dịch có tỷ lệ cao nhất thế giới. Phó Thủ tướng nêu ví dụ và cho rằng công tác báo chí, truyền thông có đóng góp rất quan trọng.
Nêu rõ công tác chuyển đổi số đã đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông không chỉ đồng hành mà còn cần hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cơ bản xây dựng được các chiến lược, đề án. Các địa phương cơ bản xác định được những công việc cần phải làm. Bộ Thông tin và Truyền thông cần thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của các địa phương bằng cách làm mẫu, đi trước và hỗ trợ.
Từ kinh nghiệm ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục lập nhiều nhóm làm việc, nhóm công tác với sự tham gia của các đơn vị trong Bộ, doanh nghiệp, chuyên gia, để giải bài toán chuyển đổi số cụ thể cho từng xã, huyện, tỉnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, năm 2022 cần phải có những chuyển biến mạnh hơn về xây dựng cơ sở dữ liệu. Với ba cơ sở dữ liệu lớn về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, cùng với thanh toán điện tử thì chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số sẽ có những bước tiến thực chất.
Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, ngành thông tin và truyền thông cần tiếp tục hoàn thiện các giải pháp công nghệ phục vụ chống dịch trên tinh thần chủ động đón đầu, thay đổi các nền tảng để đáp ứng tình hình mới… Bên cạnh đó, ngành Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin cần tiếp tục phát triển các nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số như thương mại điện tử, học trực tuyến,... với sự ủng hộ của các ngành, địa phương và người dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, năm 2021 đối với ngành Thông tin và truyền thông là một năm rất đặc biệt. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là động lực của phát triển kinh tế. Khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá, vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao. Đôi cánh để Việt Nam bay lên là công nghệ và khát vọng phát triển. Đôi cánh này đều liên quan tới ngành thông tin và truyền thông.
Covid-19 là cú hích trăm năm cho chuyển đổi số. Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước vào chuyển đổi số.
Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí, Bộ trưởng thông tin.
Để thúc đẩy chuyển đổi số cần phải đồng bộ thể chế số, hạ tầng số, công cụ sản xuất số, công cụ quản lý số, nhân lực số, thị trường số, và quản lý pháp luật số nhằm có một môi trường số lành mạnh, quản lý được các nguy cơ và rủi ro trên không gian mạng.