00:29 12/12/2021

Doanh nghiệp và người dân là trọng tâm của chuyển đổi số

Nhĩ Anh

Chuyển đổi số cần cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực. Chính sách chuyển đổi số phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, chuyển đổi số phải tham gia tích cực vào một số lĩnh vực, tập trung vào một số nhiệm vụ lớn như thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, phòng chống COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3 chiều ngày 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số nhấn mạnh cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường trong chuyển đổi số, làm lợi thiết thực cho người dân, tham gia giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu cuối cùng là nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

PHẢI TRÁNH CẢ HAI KHUYNH HƯỚNG CHỦ QUAN, NÓNG VỘI VÀ TRÌ TRỆ, BẢO THỦ

Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, đường lối, chính sách liên quan tới chuyển đổi số. Do đó, chúng ta cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu một số suy nghĩ về chuyển đổi số với quan điểm “cùng làm, cùng hưởng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Qua Diễn đàn, Thủ tướng vui mừng khi thấy các doanh nghiệp, người dân và các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc, tham gia tích cực để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, phù hợp với tình hình và yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, góp phần làm lợi cho người dân, đưa đất nước ngày càng phát triển.

 
Chuyển đổi số phải tránh cả hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội...

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng trăn trở bởi trong quá trình chuyển đổi số, các mục tiêu có tham vọng lớn, yêu cầu cao, nhưng thời gian rất có hạn. Giải quyết mâu thuẫn này thế nào để tại diễn đàn sang năm, các sản phẩm có số lượng nhiều hơn, chất lượng cao hơn, người dân được lợi hơn, là thách thức lớn trong điều kiện hiện nay.

Tại diễn đàn, người đứng đầu Chính phủ nêu một số định hướng lớn trong chuyển đối số. Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Do đó, chuyển đổi số cần cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình mà phải hợp tác và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số tác động tới tất cả mọi người dân, nên cần cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực. Chính sách chuyển đổi số phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải phát huy tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số. Trong chuyển đổi số, phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình. Nguồn lực bên trong (với ba trụ cột con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định. Còn nguồn lực bên ngoài ( gồm vốn, công nghệ, năng lực quản trị…) là quan trọng và đột phá.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, hoạt động chuyển đổi số phải tham gia tích cực vào một số lĩnh vực, tập trung vào một số nhiệm vụ lớn như thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững; phòng chống C-19, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội; ứng phó các thách thức như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên…

Chuyển đổi số phải tránh cả hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, Thủ tướng lưu ý.

HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, KHUNG KHỔ PHÁP LÝ CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số. “Nếu không có thể chế phù hợp thì sẽ cản trở sự phát triển. Thể chế không thể phủ hết các trường hợp, các góc cạnh của cuộc sống nên phải hết sức chủ động, linh hoạt, phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung kịp thời, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Thể chế cần ở đâu thì làm ở đó, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, thiếu hụt ở đâu thì bù đắp ở đó”.

 
Nếu không có thể chế phù hợp thì sẽ cản trở sự phát triển. Thể chế không thể phủ hết các trường hợp, các góc cạnh của cuộc sống nên phải hết sức chủ động, linh hoạt, phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung kịp thời, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Thể chế cần ở đâu thì làm ở đó, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, thiếu hụt ở đâu thì bù đắp ở đó.

Tăng cường vai trò của quản lý nhà nước để tạo điều kiện thông thoáng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Các cơ quan Nhà nước tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, huy động nguồn lực, đánh giá, giám sát, thanh kiểm tra… Điều này phải thực hiện trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết, tương tác, hợp tác, chia sẻ và thấu hiểu, cảm thông giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp một cách hết sức chủ động, tích cực.

Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực số và tài chính số, Thủ tướng cho rằng, nếu không có công dân số thì Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số không thể phát triển. Đồng thời, có các giải pháp phù hợp để huy động nguồn tài chính theo tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

Chuyển đổi số phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ mới, sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Đổi mới sáng tạo không tách rời việc kế thừa và phải bám sát thực tiễn.

Về vấn đề phát triển hạ tầng số, dữ liệu và quản trị số, Thủ tướng đề cao vai trò của dữ liệu và chỉ ra một số bất cập trong việc xây dựng và kết nối dữ liệu tại Việt Nam. Không có dữ liệu thì không có trí tuệ nhân tạo, dữ liệu cần được tích lũy, tập hợp, xây dựng, lưu trữ và khai thác có hiệu quả. Do đó, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và vận hành các hệ thống cơ sở dữ liệu, cường kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu để phục vụ tổ chức, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nêu rõ, cần cấp bách thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực ngân hàng, thuế, hải quan, đất đai, logistics, giáo dục và đào tạo…

Trước những chia sẻ, trăn trở, chỉ đạo của Thủ tướng, trong lời phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết xin nhận những nhiệm vụ này, và dùng công nghệ số, giải pháp số, trí tuệ, sự đổi mới sáng tạo Việt Nam để giải quyết những bài toán đó. Những người làm trong lĩnh vực công nghệ số, luôn có niềm tin rằng công nghệ số giải được rất nhiều những bài toán khó, tồn tại lâu dài với nhân loại, với Việt Nam, Bộ trưởng nói.