Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về xử lý quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật trên mạng
Bộ, ngành, địa phương nào quản lý cái gì trong thế giới thực sẽ phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện quản lý cái đó trên không gian mạng…
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều ngày 7/11/2023, Quốc hội tiến hành chất vấn về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Tao Văn Giót, đoàn Lai Châu, nêu rõ thời gian qua, hiện tượng sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube hoặc các website có máy chủ ở nước ngoài để quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận.
Quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh sử dụng danh nghĩa của các cơ quan như y tế, cắt ghép hình ảnh của VTV, bệnh viện, Bộ Y tế; ý kiến phản hồi của người bệnh, người nổi tiếng, quảng cáo thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh vẫn diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ít thông tin.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để xử lý vấn đề này một cách căn cơ, lâu dài theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 75 năm 2022, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Về quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các quảng cáo này được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới.
Vừa qua, chúng ta đã có cơ chế làm việc với các nền tảng này về việc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, xấu độc, quảng cáo sai sự thật; đồng thời thể chế hóa vấn đề này trong các văn bản pháp luật về trách nhiệm của các mạng xã hội, thời gian tháo gỡ...
"Hiện nay, tỉ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về tháo gỡ những thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội là rất nghiêm", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên vấn đề là phải phát hiện và báo cáo để tháo gỡ. Bộ trưởng cho rằng bộ, ngành, địa phương nào quản lý cái gì trong thế giới thực phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng.
Theo Bộ trưởng, "nếu trong quá trình thực thi gặp khó khăn sẽ có sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, nhưng việc chính vẫn phải là các bộ chuyên ngành". Ví dụ, liên quan đến vấn đề thuốc, thực phẩm chức năng, quảng cáo đúng hay sai thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế.
Bộ trưởng cũng nêu thực tế, hiện nay các bộ ngành, địa phương lên không gian mạng chưa nhiều và nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc của Bộ Công an. Tuy nhiên, nhận thức này cần phải được thay đổi.
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Võ Thị Minh Sinh, đoàn Nghệ An đánh giá cao nỗ lực của ngành và đồng tình cao với báo cáo số 510 với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đặc biệt, đại biểu rất tâm đắc với kết quả đột phá trong làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google hay Tiktok để yêu cầu các đơn vị này tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó Bộ cũng đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội về cẩm nang nhận diện và xử lý thông tin giả cho người sử dụng…
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị đã có trang fanpage trên Facebook và có danh tính xác thực, mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tương tác với người dân nhưng chưa được cấp cái tài khoản có tính chính thống.
Với thực tế này, đại biểu đề nghị Bộ cho biết giải pháp để hỗ trợ định hướng và chính thống hóa các trang này nhằm đảm bảo an toàn, tránh rủi ro, mất kiểm soát điều hành hoặc trong khi hoạt động trang cũng như tính chịu trách nhiệm của các cái trang này đối với xã hội?
Về tính chính danh của các cơ quan, tổ chức trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, với mong muốn của nhiều tổ chức về nhu cầu có tính chính thức của các trang trên mạng xã hội để truyền tải đến xã hội và thể hiện uy tín của trang. Hiện nay một số nền tảng mạng xã hội đã có tính năng hỗ trợ tính năng này như Facebook với tính năng “tích xanh”. Tuy nhiên, chưa phải tất cả các mạng xã hội hiện nay đều có chức năng này.
Do đó, thời gian gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các mạng xã hội để phát triển chức năng này. Về cơ bản đến cuối năm 2023, các nền tảng mạng xã hội lớn sẽ có chức năng này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thể chế hóa vấn đề này trong Nghị định 72 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, dự kiến sẽ được ký ban hành trong quý 4/2023.