10:15 14/03/2022

Bộ trưởng Tài chính Nga: Moscow mất quyền tiếp cận một nửa tài sản dự trữ

Đức Anh

Nga hiện không thể tiếp cận khoảng 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ tài chính của mình...

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov - Ảnh: Getty Images
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov - Ảnh: Getty Images

Ông Anton Siluanov, Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết nước này đã mất quyền tiếp cận gần 50% nguồn dự trữ tài chính của mình và đang đối mặt nhiều rủi ro hơn nữa khi phương Tây gia tăng áp lực đòi Trung Quốc - một đồng minh quan trọng của Moscow – thực thi các biện pháp trừng phạt.

“Tổng giá trị dự trữ tài chính của chúng tôi là khoảng 640 tỷ USD và khoảng 300 tỷ USD trong số đó đang rơi vào tình trạng mà chúng tôi không thể sử dụng”, ông Siluanow nói trong một bài phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia ngày 13/3. “Chúng tôi thấy các nước phương Tây đang gây áp lực lên Trung Quốc để hạn chế việc chúng tôi tiếp cận nguồn dự trữ bằng đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, tôi cho rằng mối quan hệ đối tác Nga – Trung Quốc sẽ không chỉ giúp chúng tôi bảo vệ mà còn gia tăng dự trữ tài chính của mình”.

Phong tỏa tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) là một trong hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mà các nước phương Tây áp đặt đối với Moscow sau khi nước này phát động cuộc tấn công vũ trang vào Ukraine – cuộc chiến đã bước sang tuần thứ ba.

Theo dữ liệu chính thức của Chính phủ Nga hồi tháng 1, tính tới tháng 6/2021, dự trữ bằng đồng USD của nước này là khoảng 100 tỷ USD – chiếm 16,4% tổng khối tiền mặt thời điểm đó. Còn dự trữ bằng đồng Euro và Nhân dân tệ lần lượt chiếm 32,2% và 13,1%.

Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn cam kết tiếp tục mối quan hệ thương mại bình thường với Nga – quốc gia được xem là một đối tác chiến lược của Bắc Kinh, bất chấp việc hàng loạt doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đã lần lượt tuyên bố rút khỏi hoặc dừng hoạt động tại Nga. Bắc Kinh đã tăng gấp đôi biên độ giao dịch tiền Nhân dân tệ so với Rúp Nga, bắt đầu áp dụng từ thứ Sáu (11/3).

Theo ông Siluanov, Chính phủ Nga sẽ trả các khoản nợ bằng đồng Rúp cho tới khi dự trữ tiền mặt của mình được gỡ phong tỏa. CBR cũng đã áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn sau khi dự trữ nước ngoài bị đóng băng. Các biện pháp hạn chế khiến Chính phủ Nga đối mặt vụ vỡ nợ đầu tiên kể từ năm 1998.

Cuộc chiến tại Ukraine đã gây tổn thương lớn cho Nga, khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong hơn 2 thập kỷ dưới sự lãnh đạo Tổng thống Vladimir Putin. Đang trên đà tăng trưởng dương năm nay, kinh tế Nga được dự báo đảo chiều trong năm nay. Bloomberg Economics dự báo GDP năm 2022 của Nga sẽ giảm khoảng 9%.

Sàn giao dịch chứng khoán Moscow của Nga sẽ tiếp tục ngừng giao dịch ít nhất tới ngày 18/3 để bảo vệ các nhà đầu tư trong nước khỏi ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.

Ông Siluanov cho biết chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng nội địa trong tình huống khó khăn.

“Mức dự trữ tài chính hiện tại của Nga vẫn đủ để các ngân hàng hoạt động bình thường, kể cả khi họ là đối tượng của các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất”, Bộ trưởng Tài chính Nga nói.

Trước đó, ngày 10/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga có thể tự phục hồi từ những khó khăn kinh tế trong trạng thái “tràn đầy sinh lực” và sẽ không bao giờ phải dựa vào các đối tác phương Tây nữa.

“Về những vấn đề kinh tế của chúng tôi, chúng tôi sẽ giải quyết được”, ông Lavrov phát biểu tại Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba. Ông nhấn mạnh rằng Nga đã từng trải qua nhiều giai đoạn bị cô lập và gặp khó khăn về kinh tế. 

“Tôi đảm bảo rằng chúng tôi sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này trong trạng thái tràn đầy sinh lực. Chúng tôi sẽ không còn chút ảo tưởng nào rằng phương Tây có thể là một đối tác đáng tin cậy nữa”, ông Lavrov nói.