Các ngân hàng phương Tây có thể mất 120 tỷ USD đã cho Nga vay
Goldman Sachs đã trở thành ngân hàng lớn đầu tiên của phương Tây rút khỏi Nga sau khi Nga tấn công Ukraine. Nhiều nhà băng phương Tây khác có thể cũng hành động tương tự, dù sự rút lui này có thể khiến họ tổn thất hàng chục tỷ USD...
Ngày 10/3, Goldman Sachs tuyên bố sẽ “rút hoạt động khỏi Nga để tuân thủ các yêu cầu về quy chế giám sát và giấy phép”.
Việc nhà băng khổng lồ đến từ Phố Wall rời Nga diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng phương Tây tính toán mức độ hiện diện của họ ở Nga trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh đã nhằm vào gần như toàn bộ hệ thống tài chính của Nga - bao gồm cả Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) và những ngân hàng thương mại lớn nhất của nước này là VTB và Sberbank.
Sự ra đi này nằm trong xu hướng tháo chạy của các doanh nghiệp phương Tây khỏi gần như tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế Nga, khi các tổ chức tín nhiệm cảnh báo rằng nước này có thể sắp rơi vào cảnh vỡ nợ.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các thực thể Nga đang nợ các ngân hàng quốc tế khoảng 121 tỷ USD. Ngày 10/3, BIS đã loại Nga khỏi danh sách thành viên.
Trong số nợ mà BIS đề cập, có 84 tỷ USD là của các ngân hàng châu Âu, nhiều nhất là của các ngân hàng Pháp, Italy và Áo. Các ngân hàng Mỹ có 14,7 tỷ USD.
Trước đó, Goldman Sachs tiết lộ rằng ở thời điểm tháng 12/2021, ngân hàng này có dư nợ tín dụng 650 triệu USD tại Nga.
Nhiều ngân hàng khác, với mức thiệt hại lớn hơn, có thể sớm theo bước Goldman Sachs rút khỏi Nga. Người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin ngày 10/3 nói rằng tình hình kinh tế Nga hiện nay “hoàn toàn chưa từng có tiền lệ” và cho rằng đây là hệ quả của “cuộc chiến tranh kinh tế” mà phương Tây gây ra với Nga. Moscow tuyên bố sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, và một số ngân hàng nước ngoài ở Nga đã phát tín hiệu rằng tài sản của họ có thể bị tịch thu hoặc quốc hữu hoá bởi Chính phủ Nga.
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đã cảnh báo rằng “chất lượng tài sản của các ngân hàng phương Tây lớn sẽ chịu sức ép từ ảnh hưởng của việc Nga tấn công Ukraine”, và hoạt động của các nhà băng này sẽ đối mặt rủi ro gia tăng khi họ buộc phải tuân thủ các biện pháp từng phạt nhằm vào Nga.
Ngân hàng Pháp Societe Generale tuần trước cho biết “đang tuân thủ nghiêm ngặt tất các các quy định pháp luật và quy chế giám sát liên quan, đồng thời nghiêm chỉnh thực thi các biện pháp cần thiết để tuân thủ đúng các lệnh trừng phạt quốc tế ngay khi các lệnh trừng phạt được công bố”. Societe Generale cũng cho biết có khoảng 21 tỷ USD tài sản liên quan đến Nga vào thời điểm cuối năm ngoái.
Societe Generale “có thừa khả năng để hấp thụ những hậu quả của một kịch bản cực đoan mà trong đó ngân hàng bị tước quyền tài sản ngân hàng ở Nga” – ngân hàng này cho biết.
Một ngân hàng lớn khác của Pháp là BNP Paribas hôm 9/3 cho biết có tổng cộng khoảng 3 tỷ Euro (3,3 tỷ USD) tài sản ở cả Nga và Ukraine.
UniCredit của Italy, ngân hàng hoạt động ở Nga từ năm 1999, tuần trước nói rằng chi nhánh ở Nga “đang trong tình trạng thanh khoản tốt”, đồng thời tiết lộ rằng bộ phận này chỉ đóng góp khoảng 3% tổng doanh thu của toàn bộ ngân hàng. Tuần này, UniCredit cho biết có khoảng 7,4 tỷ Euro (8,1 tỷ USD) tài sản liên quan đến Nga.
Nhà băng Thuỵ Sỹ Credit Suisse nói có 1 tỷ Franc Thuỵ Sỹ (1,1 tỷ USD) tài sản ở Nga.
Hôm 9,3, Deutsche Bank ra một tuyên bố cho biết có mức độ liên quan “hạn chế” tới Nga, với tổng số vốn cho vay ở Nga là 1,4 tỷ Euro (1,5 tỷ USD). Ngân hàng Đức này cho biết đã giảm nhiều mức độ liên quan đến Nga kể từ năm 2014 và tiếp tục thu hẹp sự liên quan này trong 2 tuần trở lại đây.
Các ngân hàng Mỹ cũng có thể chịu tổn thất lớn khi rút khỏi Nga. Tuần trước, Citigroup liết lộ có gần 10 tỷ USD tài sản ở Nga. Giám đốc tài chính của Citigroup, ông Mark Mason, nói với các nhà đầu tư rằng nhà băng này đang tiến hành các cuộc kiểm tra để đánh giá hậu quả “trong các kịch bản sức ép khác nhau”, đồng thời cho biết Citigroup có thể mất khoảng một nửa tài sản ở Nga trong trường hợp xấu nhất.
Hôm 9/3, Citigroup nói sẽ giữ nguyên kế hoạch rút khỏi ngân hàng bán lẻ ở Nga, nhưng có thể khó tìm khách mua lại mảng này, xét tới tình hình kinh tế và chính trị nhiều bất ổn ở Nga hiện nay.
“Trong quá trình rút khỏi Nga, chúng tôi giữ hoạt động tại Nga một cách hạn chế, xét tới tình hình và các nghĩa vụ hiện nay của chúng tôi”, một tuyên bố của Citigroup có đoạn. “Trong lúc nền kinh tế Nga bị gián đoạn khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, chúng tôi tiếp tục đánh giá hoạt động của mình ở Nga”,
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 10/3 đã đề cập đến rủi ro mà các ngân hàng châu Âu phải đối mặt ở Nga, nói rằng hệ thống tài chính của châu Âu có đủ thanh khoản và hiện không có nhiều dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng.
“Nga có vai trò quan trọng lớn đối với thị trường năng lượng, đối với thị trường hàng hoá cơ bản. Nhưng đối với khu vực tài chính của châu Âu, Nga không quan trọng lắm”, Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos phát biểu. “Sức ép và căng thẳng mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay không đáng gì nếu so với những gì đã xảy ra ở đầu đại dịch Covid-19”.