"Bộ trưởng trả lời chưa thuyết phục"
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vẫn chưa thuyết phục được một số đại biểu
Sáng 15/11, là người đầu tiên lên "ghế nóng" trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời khá trôi chảy các câu hỏi của đại biểu.
Tuy nhiên, khá nhiều vị đại biểu đã giơ biển tranh luận vì cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục.
Cam kết trước đây thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nhắc lại nhiều năm trước khi dư luận lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường tại dự án bauxite Tây Nguyên thì Bộ đã có giải trình, cam kết. Nhưng thực tế hiện nay lại cho thấy lo lắng đó là hoàn toàn đúng.
Đại biểu Thúy đề nghị Bộ trưởng Tuấn Anh đánh giá những cam kết giải trình của người tiền nhiệm và có giải pháp gì để khắc phục?
Bộ trưởng cho biết, hai dự án Bauxit Tân Rai và Nhân cơ đều được quan tâm bảo vệ môi trường, đều có sự phê duyệt báo cáo môi trường và được kiểm tra chấp hành pháp luật về môi trường từ xử lý bùn đỏ đến thi công.
Tuy nhiên vừa qua có sự cố lý do là do mưa và thời tiết tự nhiên, sự cố đó đã được kiểm tra khắc phục kịp thời. Bộ trưởng cũng khẳng định là đã kiểm tra và đảm bảo việc chấp hành pháp luật trong từng hạng mục. Nhưng rất cần vai trò của địa phương để giám sát vì đây là những dự án có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Bộ trưởng trả lời chưa thuyết phục, đại biểu Thuý nhận xét ngay sau khi được mời tranh luận.
Bà nhấn mạnh lại chất vấn là đánh giá về thực hiện cam kết của Bộ như thế nào. Theo cam kết trước đây Bộ Công Thương đưa ra kiến nghị xin giãn đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì độ an toàn quá cao. "Căn cứ trên cơ sở nào để Bộ đưa ra đề xuất này?", bà Thuý chất vấn và nói nếu Bộ trưởng chưa chuẩn bị kịp tài liệu thì có thể gửi trả lời bằng văn bản.
Bộ trưởng cho biết sẽ trả lời bằng văn bản.
Cũng chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng là đại biểu Trần Thị Dung vì trước đây bà đã từng chất vấn nhưng đến nay việc xả lũ của thủy điện gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bà đã giơ biển tranh luận , nhưng hồi âm của Bộ trưởng vẫn chưa làm đại biểu thấy thuyết phục, nhưng bà không thể giơ biển lần nữa vì quy định chỉ được một lần.
"Không có lợi ích nhóm"
Sự cố Formosa vừa xảy ra, Bộ đã phê duyệt ngay dự án thép Cà Ná mặc dù có nhiều ý kiến phản đối, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt vấn đề.
Đại biểu Hiền đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng, trả lời thật với cử tri cử tri, dù chỉ là bổ sung quy hoạch nhưng dự án đã đi ngược lại chủ trương của Chính phủ là đánh đổi môi trường.
Đại biểu đặt hàng loạt câu hỏi: Có hay không xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án? Có hay không việc bộ đã và đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án? Đầu tư theo quy hoạch hay quy hoạch theo đầu tư?.
Phần trả lời chất vấn này, Bộ trưởng nói, trữ lượng quặng sắt của Việt Nam là 1,5 tỷ tấn nhưng hàng năm Việt Nam cũng phải nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD các sản phẩm sắt thép, dự kiến sẽ tăng lên khoảng 15 tỷ USD mỗi năm.
Theo Bộ trưởng, hiện nay thép thô để phục vụ các nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam chưa có. Quy mô các dự án thép còn ở mức nhỏ. Mỏ sắt Thạch Khê có thể đóng góp khoảng 0,3-0,4% điểm GDP. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đảm bảo lượng thép thô nhất định để phát triển công nghiệp cơ bản, quốc phòng.
Khẳng định quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá, với dự án thép Cà Ná, ông nói: "Tôi cũng khẳng định một lần nữa không có lợi ích nhóm ở đây".
Với dự án thép Cà Ná, người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định, các quy hoạch được làm đầy đủ quy trình thủ tục. Dự án Thép Cà Ná được phê duyệt từ lâu nhưng về sau chủ đầu tư cũ không đảm bảo tài chính nên bị loại ra khỏi quy hoạch. Đến cuối năm 2015 Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã xin chủ trương đầu tư với các cam kết đảm bảo về công nghệ, môi trường.
Bộ trưởng báo cáo Quốc hội việc phê duyệt vừa qua mới là điều chỉnh về quy hoạch ngành thép khi so sánh các lợi thế, chứ không phải dự án đầu tư đã được phê duyệt.
"Có ý kiến nói có đánh đổi muối lấy cà Ná hay không? xin khẳng định là không. Dự án Cà Ná được xem xét cẩn trọng, được phê duyệt trong quy hoạch thép. Nhưng để cẩn trọng, Chính phủ đã giao các bộ phối hợp địa phương nghiên cứu về môi trường, xem xét hàng loạt các quy chuẩn về môi trường thì mới được xem xét phê duyệt", Bộ trưởng nói.
Chủ tịch Tôn Hoa Sen nói nếu thực hiện dự án có sai phạm thì giao toàn bộ tài sản cho Thủ tướng, vậy nếu sau này dự án có hệ luỵ thì Bộ trưởng có cam kết từ chức trước Quốc hội hay không? đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn.
Do hết giờ buổi sáng nên Bộ trưởng chưa trả lời câu hỏi này, đầu giờ chiều ông còn 30 phút để trả lời tất cả các câu hỏi buổi sáng.