12:08 19/03/2018

Bộ trưởng Tư pháp: Tài sản bất minh cần được xem xét ở toà

Hà Vũ

Thông lệ quốc tế thì cách xử lý là những tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì tịch thu hoặc xử lý hình sự

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.

Quan điểm của Bộ Tư pháp là phải thực hiện quy trình tố tụng tư pháp về dân sự tức là đưa ra toà để xem xét, giống như xem xét việc chiếm giữ tài sản mà không có căn cứ.

Đó là hồi âm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long với chất vấn từ Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên chất vấn do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 19/3, liên quan đến quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình một cách hợp lý.

Tuân thủ nhưng...

Quy định nói trên mới được Thanh tra Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và đã được Uỷ ban Tư pháp, cơ quan có trách nhiệm thẩm tra, xem xét.

Theo đề xuất  thì qua xác minh, nếu cơ quan chức năng kết luận tài sản, thu nhập thực tế của cán bộ, công chức, viên chức lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.

Một số vị đại biểu Quốc hội cả trong và ngoài cơ quan thẩm tra đã bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất này, cho rằng việc này có thể "mở đường"cho tham nhũng.

Hồi âm chất vấn của Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh Phòng chống tham nhũng là dự luật rất khó, đến bây giờ còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Về kiến đề xuất là với tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc thì đánh thuế, tới 45% đây là quan điểm của Chính phủ và với tư cách một thành viên của Chính phủ, tôi tuân thủ việc này, ông Long cho biết.

Nhưng, Bộ trưởng cũng cho biết Chính phủ có cơ chế là ngoài tuân thủ thì có ý kiến bổ sung.

Ông Long cũng nêu thông lệ quốc tế thì cách xử lý là những tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì tịch thu hoặc xử lý hình sự, như Trung Quốc hiện nay thì áp dụng việc tịch thu.

Riêng với Việt Nam nếu thực hiện ngay lập tức như thông lệ quốc tế chắc là không khả thi nên quan điểm của Bộ là phải thực hiện quy trình tố tụng tư pháp về dân sự tức là đưa ra toà để xem xét, giống như xem xét việc chiếm giữ tài sản mà không có căn cứ, Bộ trưởng nêu quan điểm. 

Ông Long cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp cùng thanh tra Chính  phủ báo cáo Chính phủ về diễn tiến thảo luận dự án Luật Phòng chống tham nhũng.

Lương giáo viên phải cao nhất

Liên quan đến dự thảo Luật Giáo dục, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận nhận một chất vấn về quy định lương giáo viên.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh đề cập quy định lương của nhà giáo phải được xếp cao nhất trong thang bảng lương hiện nay, trong dự thảo luật ban đầu đã đưa vào nhưng sau thẩm định của Bộ Tư pháp lại đưa ra.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết ông thống nhất quan điểm giáo viên phải được hưởng mức cao nhất trong thang bảng lương.

Tuy nhiên, việc này lại vấp vấn đề quan điểm. Hiện Chính phủ đang chuẩn bị đề án về cải cách chế độ tiền lương.

"Lương và phụ cấp liên quan đến khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Nếu theo nguyên lý nhất quán là các vấn đề về chế độ chính sách không quy định trong văn bản liên ngành thì phần nào ảnh hưởng đến nguyên tắc này. Tuy nhiên để đợi một văn bản như thế thì lại chậm. Áy náy của Bộ Tư pháp cũng như cá nhân tôi là ở đây, sao để giải quyết ngay lập tức được vấn đề này để các giáo viên an tâm công tác",  Bộ trưởng nói.