14:49 14/07/2025

Bộ Xây dựng phản hồi đề xuất đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng vào hạ tầng giao thông và cảng hàng không Pleiku tại Gia Lai

Tuấn Khang

Trước kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai về danh mục 5 dự án giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng khẳng định thẩm quyền đầu tư thuộc địa phương và đề nghị tỉnh chủ động nguồn lực hoặc phối hợp với các cơ quan trung ương để huy động vốn thực hiện...

Cảng hàng không Pleiku. Ảnh minh hoạ
Cảng hàng không Pleiku. Ảnh minh hoạ

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai để trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, liên quan đến việc đề xuất Trung ương bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030 cho một loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn.

Theo nội dung kiến nghị, cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Xây dựng tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung 5 dự án hạ tầng trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 17.181 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới.

Các dự án gồm: cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 25 (2.114 tỷ đồng); xây dựng đường nối Gia Lai – Phú Yên (đoạn qua địa phận Gia Lai, 1.200 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14C (877 tỷ đồng); mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Pleiku (12.660 tỷ đồng); và tuyến kết nối vùng Ayun Pa (Gia Lai) – Ea H’Leo (Đắk Lắk) với vốn đầu tư khoảng 330 tỷ đồng.

Phản hồi nội dung trên, Bộ Xây dựng cho biết việc đầu tư các tuyến quốc lộ: 14C, 19, 19D và 25 là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí vận tải, kết nối khu vực duyên hải Trung bộ và vùng Tây Nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh trong khu vực.

Tuy nhiên, thực hiện quy định của Luật Đường bộ năm 2024 và Nghị định số 165/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có quyết định điều chuyển các tuyến: QL.14C, QL.19, QL.19D và QL.25 về UBND tỉnh Gia Lai quản lý, khai thác, bảo trì. Đồng thời, các tuyến giao thông kết nối vùng AyunPa (tỉnh Gia Lai) và Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk), tuyến nối hai tỉnh Gia Lai - Phú Yên do địa phương quản lý. Vì vậy, thẩm quyền quản lý, đầu tư các tuyến đường nêu trên thuộc trách nhiệm của địa phương.

Bộ Xây dựng thống nhất với kiến nghị của cử tri về sớm đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường nêu trên và đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chủ động nghiên cứu, bố trí nguồn vốn để đầu tư nâng cấp tuyến đường này theo thẩm quyền. Trường hợp khó khăn, đề nghị địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để tổng hợp nguồn vốn cần hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Pleiku, Bộ Xây dựng cho biết trong giai đoạn đến năm 2030, cảng hàng không này có công suất khoảng 4,0 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 có công suất khoảng 5,0 triệu hành khách/năm.

Hiện, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nhằm đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình thuộc khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn…) tại một số cảng hàng không, trong đó có cảng hàng không Pleiku; tuy nhiên đến nay chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.

Trường hợp tỉnh Gia Lai có nhu cầu đầu tư sớm, đề nghị UBND tỉnh Gia Lai nghiên cứu, chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp công trình.

Đối với khu hàng không dân dụng (nhà ga, sân đỗ...), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp Cảng hàng không Pleiku có trách nhiệm đầu tư, mở rộng Cảng theo quy hoạch.

Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Gia Lai làm việc với ACV để nghiên cứu phương án đầu tư phù hợp. Trong trường hợp ACV chưa cân đối được nguồn vốn, đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chủ động nghiên cứu phương án huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, phát triển cảng hàng không Pleiku, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.