14:21 13/07/2023

Bộ Y tế đề xuất tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Nhật Dương

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh thực hiện tăng theo sự thay đổi mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, ước tăng trung bình 5% nếu áp dụng, theo đề xuất của Bộ Y tế…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế đã có thông tin phản hồi về ý kiến của các bộ ngành đối với lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh thực hiện theo sự thay đổi mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7.

QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ VẪN ĐỦ KHẢ NĂNG CÂN ĐỐI

Bộ Y tế cho biết, đối với đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng theo phương án dựa trên cơ sở danh mục kỹ thuật hiện hành, vẫn giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành và chỉ điều chỉnh tiền lương kết cấu vào giá theo mức lương cơ sở mới.

Đánh giá về tác động với người bệnh khi tăng viện phí theo lương cơ sở, Bộ Y tế cho biết, nếu thực hiện điều chỉnh tiền lương kết cấu vào giá theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng thì tỷ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh là 5%, chi Quỹ bảo hiểm y tế tăng khoảng 2.700 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, khi mức lương cơ sở tăng thì nguồn thu Quỹ bảo hiểm y tế cũng sẽ tăng do mức đóng của người tham gia bảo hiểm y tế cũng tăng. 

Nếu tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì tỷ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh là 4%, chi Quỹ bảo hiểm y tế tăng khoảng 2.180 tỷ đồng/năm. 

Đánh giá trên được Bộ Y tế căn cứ số liệu về cơ cấu dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 về kết quả quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế.

Về tác động đến CPI, Bộ Y tế cho biết, nếu tính cả chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và chi phí quản lý vào giá thì giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng bình quân là 9%. Như vậy, dự kiến tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng chung dưới 0,41 điểm phần trăm. 

Về khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế, so sánh chênh lệch thu chi của Quỹ bảo hiểm y tế hằng năm (năm 2021 dư 14.368 tỷ đồng) cho thấy nếu điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và tính chi phí quản lý vào giá khám bệnh chữa bệnh thì Quỹ bảo hiểm y tế vẫn đủ khả năng cân đối. 

KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH ĐƯỢC BẢO HIỂM Y TẾ THANH TOÁN

Đối với ý kiến đề nghị làm rõ nội dung về dự kiến tháng 8/2023 sẽ hoàn thiện và đề xuất phương án tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng dự kiến quý 3/2024 mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện, Bộ Y tế có ý kiến như sau: Chi phí quản lý là một trong 4 yếu tố cấu thành giá (chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý và chi phí khấu hao trang thiết bị và cơ sở vật chất). 

Hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính 2 yếu tố là chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương. Bộ Y tế dự kiến tháng 8/2023 hoàn thành khảo sát và đề xuất phương án tính chi phí quản lý vào giá.

Tuy nhiên, dự kiến tháng 12/2023 mới hoàn thiện việc sắp xếp danh mục kỹ thuật (hiện tại ban hành được khoảng 2000/18.000 danh mục kỹ thuật) và thực hiện khảo sát xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật theo danh mục kỹ thuật mới được ban hành. 

Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và phương án giá dịch vụ từ 3-6 tháng. Vì vậy, căn cứ tiến độ thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại danh mục dịch vụ, khảo sát và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, Bộ Y tế dự kiến quý 3/2024 hoàn thiện và đề xuất thực hiện giá khám bệnh chữa bệnh tính tiếp chi phí quản lý.

Bộ Y tế khẳng định về tác động với người tham gia bảo hiểm y tế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được bảo hiểm y tế thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng.

Các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20% thì với tỷ lệ tăng bình quân giá khám bệnh chữa bệnh khi điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng là 5%. Khi tính chi phí quản lý là 4% thì phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở.