Bộ Y tế lý giải nguyên nhân chưa thể thông tuyến bảo hiểm y tế tuyến Trung ương
Việc mở rộng thông tuyến bảo hiểm y tế đối với tuyến Trung ương cần được nghiên cứu, xem xét để tránh quá tải, cũng như bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế...
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV.
Theo đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ kiến nghị Bộ Y tế quan tâm sớm bổ sung danh mục thuốc đầy đủ, và chú trọng nâng cao chất lượng, dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo hướng đảm bảo thông tuyến từ huyện đến Trung ương.
THÔNG TUYẾN PHÙ HỢP VỚI TÌNH TRẠNG CỦA NGƯỜI BỆNH
Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết về việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng thông tuyến, việc phân 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh gồm: Tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh, và tuyến Trung ương như hiện nay, để phục vụ cho khám và chữa bệnh phù hợp với tình trạng của người bệnh ở từng tuyến.
Tuyến cao hơn sẽ khám và điều trị tình trạng bệnh nặng, chuyên sâu hơn. Căn cứ năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng của cơ sở, và tình trạng bệnh tật, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở phù hợp.
Trường hợp tình trạng bệnh tật vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới, cơ sở thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp.
Trường hợp người bệnh điều trị ở tuyến trên đã ổn định, nhưng cần tiếp tục theo dõi, căn cứ tình trạng bệnh tật và điều kiện thực tế, cơ sở có thể chuyển người bệnh về tuyến dưới để tiếp tục điều trị, chăm sóc.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 1/1/2016, người tham gia bảo hiểm y tế đã được thông tuyến huyện về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nghĩa là, người dân được khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào trong tuyến huyện thuộc phạm vi tỉnh, và được khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện trong phạm vi toàn quốc.
Từ ngày 1/1/2021, người tham gia bảo hiểm y tế được thông tuyến tỉnh toàn quốc. Theo đó, họ được khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc; được hưởng 40% khi khám chữa bệnh nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương.
“Việc mở rộng thông tuyến bảo hiểm y tế đối với tuyến Trung ương cần được nghiên cứu, xem xét để tránh quá tải cho tuyến Trung ương, tăng cường khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến cơ sở, và bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết cũng sẽ thực hiện thêm nhiều giải pháp khác.
Đơn cử như, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám chữa bệnh; cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế. Mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh; liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán...
SẼ CHÚ TRỌNG MỞ RỘNG DANH MỤC THUỐC ĐƯỢC BẢO HIỂM Y TẾ CHI TRẢ
Về việc bổ sung danh mục thuốc bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi đưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại.
Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại.
Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh, và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cở sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử đụng tại đơn vị để mua sắm, lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.
Về danh mục thuốc tân dược, Bộ Y tế cho biết Thông tư số 20/2022 ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, và chất đánh đấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Bao gồm 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm, chia làm 27 nhóm lớn, và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.
Về danh mục thuốc y học cổ truyền, Thông tư số 05/2015 ban hành và hướng dẫn danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Bao gồm 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu chia thành 11 nhóm tác dụng, và 34 vị thuốc cổ truyền chia thành 30 nhóm tác dụng theo y lý y học cổ truyền.
Với các căn cứ trên, Bộ Y tế cho rằng danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế hiện nay đã bao phủ các thuốc điều trị đầy đủ ở các chuyên khoa, cả trong lĩnh vực tân được và thuốc y học cổ truyền, đáp ứng tương đối đầy đủ, toàn diện nhu cầu sử dụng thuốc, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, và bổ sung danh mục, đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc.
Qua đó, nằm đáp ứng nhu cầu điều trị, khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, nhất là chú trọng đến nhóm trẻ em, người cao tuổi, và người nghèo được chăm sóc tốt hơn, nhưng vẫn đảm bảo cân đối, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV (tháng 10 - 11/2024), trong đó chú trọng công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi của người dân.