Việt Nam lần đầu cấp phép lưu hành vaccine phòng sốt xuất huyết
Đây là vaccine phòng sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam từ trước tới nay. Vaccine do Nhật Bản sản xuất...
Theo quyết định mới ban hành danh mục 40 vaccine, sinh phẩm được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp phép cho nhiều vaccine mới, trong đó có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết.
Quyết định do TS. Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế ký ban hành. Trong đó, vaccine sốt xuất huyết do Takeda sản xuất vừa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có tên là Qdenga.
Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam từ trước tới nay, với chỉ định cho các đối tượng từ 4 tuổi trở lên, không phân biệt người đã từng hoặc chưa mắc bệnh bao giờ, tức là không cần phải xét nghiệm trước khi tiêm.
Vaccine sốt xuất huyết mà Việt Nam phê duyệt cũng đã được cấp phép ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Brazil, Indonesia, Thái Lan và Malaysia...Vaccine này cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.
Bộ Y tế cho biết sốt xuất huyết là một bệnh do virus lây truyền qua muỗi và gây ra nhiều mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu khi lưu hành ở hơn 125 quốc gia. Cùng với sự biến đổi khí hậu, dịch sốt xuất huyết ngày càng gia tăng gây áp lực, quá tải cho các cơ sở y tế trong nước.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là mối đe dọa tiềm ẩn. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính là sốt, nguy hiểm và phục hồi.
Ở giai đoạn sốt (3 -7 ngày), bệnh thường khó phân biệt với một số bệnh nhiễm trùng khác. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo bệnh có thể có diễn biến đột ngột gây ra nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí tử vong, thời gian phục hồi lâu.
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.
Năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, 43 người trong đó đã tử vong. Năm qua cũng là lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội gấp đôi so với TP. HCM.
Dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam do cả 4 túyp huyết thanh gây nên, trong đó túyp DEN-2 chiếm tới 88% tổng số ca nhiễm năm 2023 và 70% tổng số ca nhiễm năm 2024.
Với 4 túyp gây bệnh, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần, với các túyp khác nhau. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê…Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu…
Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết gồm: Nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi; nhóm có bệnh nền; nhóm người béo phì; phụ nữ mang thai; một số nhóm khác, người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác.