09:48 05/05/2023

"Bội thu" khách quốc tế kỳ nghỉ lễ, hàng không Việt đón 260.000 khách

Ánh Tuyết

Đợt cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5, thị trường vận chuyển hàng không đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Đáng kể là các hãng hàng không Việt vận chuyển quốc tế tăng gần 500% khách so với cùng kỳ, đạt 260.000 khách; các đơn vị cũng phối hợp nhịp nhàng, thông suốt, không xảy ra ùn tắc...

Các hãng hàng không Việt vận chuyển quốc tế đạt 260 nghìn khách, tăng 495,5% về hành khách.
Các hãng hàng không Việt vận chuyển quốc tế đạt 260 nghìn khách, tăng 495,5% về hành khách.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết sản lượng vận chuyển hành khách từ ngày 28/4 - 3/5 đạt 1,29 triệu hành khách, tăng 39% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 531 nghìn khách, tăng 296%; còn khách nội địa đạt 757 nghìn khách, giảm nhẹ 4%. 

Cùng trong giai đoạn này, hàng không vận chuyển hơn 13,5 nghìn tấn hàng hóa, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022.

VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH TĂNG MẠNH, HÀNG HOÁ LAO DỐC

Cũng theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 4,3 nghìn lần hạ cất cánh, tăng 16%; vận chuyển 714 nghìn lượt khách, tăng 28,4% và chuyên chở 6 nghìn tấn hàng hóa, giảm 36%. Đáng chú ý, ngày 28/4 lượng khách thông qua cảng đạt mức cao nhất hơn 132,7 nghìn khách.

Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đạt 3,2 nghìn lần hạ cất cánh, tăng 10,4%; 526 nghìn lượt khách, tăng 24%. Lượng hàng hoá qua sân bay Tân Sơn Nhất cũng sụt giảm gần 30%, đạt khoảng 9 nghìn tấn hàng hóa. Lượng khách thông qua cảng đạt mức cao nhất hơn 96 nghìn khách vào ngày 28/4.

Còn tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt 1,5 nghìn lần hạ cất cánh, tăng mạnh 48%, với xấp xỉ 210 nghìn lượt khách qua cảng, tăng hơn 38%; sản lượng hàng hoá đạt 150 tấn, giảm 24%. Lượng khách thông qua cảng đạt mức cao nhất hơn 38,3 nghìn khách vào ngày 2/5.

 

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hơn 1,01 triệu khách và 4,5 nghìn tấn hàng hóa, tăng tương ứng 22% về hành khách và tăng 17% về hàng hóa so với cùng kỳ năm.

Đáng chú ý, cũng theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt vận chuyển quốc tế đạt 260 nghìn khách và 2,1 nghìn tấn hàng hóa, tăng 495,5% về hành khách và tăng 33% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2022.

Vận chuyển nội địa đạt 757 nghìn hành khách và 2,3 nghìn tấn hàng hóa, giảm 4% về hành khách và tăng 6% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2022.

Theo quan sát của giới phân tích, sản lượng hàng hóa quốc tế qua cảng hàng không thời gian gần đây giảm mạnh cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa không thiết yếu có giá trị cao giảm rất mạnh.

Điều này có thể đến từ thu nhập giảm, người dân các quốc gia "thắt lưng buộc bụng" do lạm phát dâng cao toàn cầu, triển vọng nền kinh tế yếu và tình hình địa chính trị phức tạp. 

Điều này đã kéo thương mại bằng đường hàng không xuống thấp, trong khi các phương thức vận tải khác như đường biển hoặc đường bộ vẫn duy trì đà tăng trưởng do chi phí vận chuyển thấp hơn và ít nhạy cảm hơn với thay đổi thu nhập.

PHỐI HỢP NHỊP NHÀNG, KHÔNG ĐỂ XẢY RA ÙN TẮC

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, công tác bảo đảm dịch vụ, an ninh, an toàn dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 cũng được lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam quán triệt và yêu cầu các đơn vị triển khai, tăng cường nhân lực, vật lực để phục vụ hành khách chu đáo và an toàn.

Theo đó, Cục Hàng không sớm ban hành chỉ thị tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30/4, 01/5, cao điểm hè 2023 và quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường đến hết ngày 3/5 để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay trong dịp lễ.

"Các cảng hàng không, đặc biệt là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều tăng cường nhân lực, trang thiết bị cũng như có sự phối hợp giữa các hãng hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ, các cơ quan nhà nước liên quan trên địa bàn cảng hàng không qua các trung tâm điều hành khai thác để đảm bảo hoạt động nhịp nhàng, thông suốt, không xảy ra ùn tắc", Cục Hàng không đánh giá.

Các hãng hàng không, các đơn vị phục vụ mặt đất tăng cường nhân lực phục vụ, hướng dẫn hành khách làm thủ tục tại khu vực nhà ga đi; nâng cao hiệu suất phục vụ tại nhà ga đến.

Tại khu vực băng chuyền tại nhà ga đến có nhân viên của hãng hàng không, nhân viên phục vụ mặt đất và nhân viên của cảng hàng không hỗ trợ giải phóng băng chuyền, sắp xếp hành lý đảm bảo khu vực lấy hành lý cho hành khách; đảm bảo xe đẩy hành lý phục vụ hành khách tại các nhà ga.

Các lực lượng trong sân bay được huy động 100% quân số ứng trực. Ngoài ra, các cảng còn bố trí thêm đoàn viên đoàn thanh niên tham gia hỗ trợ hành khách tại khu vực đón phương tiện, khu vực an ninh soi chiếu trong khung giờ cao điểm.

Các khu vực công cộng, sảnh khu vực hạn chế (đảo thủ tục) đều có nhân viên vệ sinh được phân chia khu vực dọn dẹp và có nhân viên giám sát của đơn vị cung cấp vệ sinh thực hiện giám sát liên tục, đầy đủ.

Tại các cảng hàng không đều có lực lượng an ninh hàng không túc trực, bám sát tình hình thực tế để bố trí mở tối đa các điểm soi chiếu; theo dõi chặt chẽ tình hình taxi, xe công nghệ đón khách, liên tục phối hợp và nhắc nhờ các hãng vận tải điều tiết xe về đón khách kịp thời.