10:45 30/03/2011

Bốn năm nghị trường và những phút bấm nút “không nể nang”

Minh Thúy

Rất hiếm khi bảng điện tử tại hội trường Quốc hội hiển thị số đại biểu không tán thành nhiều hơn số tán thành

Kết quả biểu quyết dự thảo Luật Thủ đô.
Kết quả biểu quyết dự thảo Luật Thủ đô.
Không phải hiếm, mà phải nói là rất hiếm những phút bảng điện tử tại hội trường Quốc hội hiển thị số đại biểu không tán thành nhiều hơn số tán thành khi biểu quyết một dự án luật hay dự thảo nghị quyết nào đó.

Cả 4 năm Quốc hội khóa 12 cũng chỉ có hai lần như thế. Thứ nhất là khi Quốc hội nhấn nút biểu quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tại kỳ họp thứ 7, với 37,53% đại biểu có mặt tán thành và 42,19% đại biểu không tán thành.

Lần thứ hai là khi Quốc hội thể hiện chính kiến với dự thảo Luật Thủ đô, tại kỳ họp thứ 9 vừa bế mạc chiều 29/3, với 44,83% đại biểu có mặt không tán thành và chỉ có 35,9% vị chọn phương án ngược lại.

Nếu nhìn về tỷ lệ tán thành/không tán thành của hai lần biểu quyết cũng không có khoảng cách quá xa. Song điều không khó nhận thấy là độ “nín thở” với dự án đường sắt cao tốc cũng rất “cao tốc” khi con số “gật” và “lắc” cứ đuổi nhau sát nút. Còn với dự án Luật Thủ đô thì ngay từ đầu số đại biểu không tán thành đã nhiều hơn hẳn.

Số đại biểu không biểu quyết dự thảo Luật Thủ đô cũng nhiều hơn con số tương tự  khi biểu quyết dự án đường sắt cao tốc (54 so với 34 đại biểu).

Đó là khi đại biểu bấm nút “không nể nang”, như cách nói của một vị có chức sắc trong Quốc hội.

Dù nằm trong số ít các vị đại biểu phát biểu khá thẳng thắn và gai góc, song vị đại biểu này vẫn thừa nhận là khi phát biểu thì ông có nể nang, nhưng bấm nút thì dứt khoát là không.

Điều này cũng thể hiện khá rõ tại phiên thảo luận gần đây nhất, cũng là phiên thảo luận sau cùng (nếu dự thảo Luật Thủ đô được thông qua như dự kiến) về dự luật này. Dù còn rất nhiều tranh cãi trước đó, khi lần lượt thảo luận tại tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 8, song tại đây chỉ có chưa đến 10 vị đại biểu đăng ký phát biểu ngay từ đầu, và sau đó dần dần tăng thêm 8 vị.

Và, nhìn tổng thể thì ý kiến ủng hộ hoàn toàn, đề nghị mạnh mẽ phải thông qua ngay dự thảo luật dường như còn “áp đảo” các ý kiến đề nghị chưa thông qua.

Vậy nên, việc Thủ đô có luật cho riêng mình có thành hiện thực ngay tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 12 hay không vẫn là câu hỏi mà chưa ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn.

Càng khó dự đoán hơn, khi theo thông lệ những vấn đề đại biểu còn có ý kiến khác nhau thường được gửi phiếu xin ý kiến đại biểu trước khi đưa ra biểu quyết. Lần này thì không. Bởi vậy, sự hồi hộp càng tăng lên gấp bội.

Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội không thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói “dư luận chung đồng tình với việc dừng dự án, việc xem xét dự án đường sắt cao tốc vừa rồi, chứng tỏ sự trưởng thành của hai bên”.

Và khi Quốc hội không thông qua dự án luật Thủ đô, chắc hẳn  dư luận không chỉ đồng tình, mà cử tri còn tăng thêm niềm tin yêu vào các vị đại biểu của mình. Bởi cho dù là kỳ họp cuối cùng của cả một nhiệm kỳ gắn bó, cho dù có đến 2/3 trong số gần 500 đại biểu sẽ không tiếp tục gặp nhau ở kỳ họp kế tiếp, nhiều vị đại biểu của dân vẫn không ngại bày tỏ thẳng thắn chính kiến của mình đến phút cuối, vì lợi ích chung.

Những tiếng nói thẳng thắn, chân thành, trí tuệ đã thực sự thuyết phục, cho dù đôi khi không thuộc về số đông tại một phiên thảo luận.

Ở kỳ họp cuối, Quốc hội khóa 12 thêm một lần “ghi điểm” với cử tri và báo chí. Cho dù có phiên thảo luận tổ kết thúc chỉ sau một tiếng và thảo luận tại hội trường về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ dường như hơi “thiếu lửa”. Cho dù không ít hạn chế, yếu kém đã được chính “người trong nhà” chỉ rõ khi Quốc hội “tự kiểm điểm” nhiệm kỳ.

“Tôi tán thành nhận xét gần đây Quốc hội mạnh lắm. Quốc hội mạnh, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng Hiến pháp đã quy định. Trước đây, những vấn đề trình ra Quốc hội thì chỉ để Quốc hội thông qua là chính, nhưng bây giờ không phải thế”, nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh nhận xét.

Còn Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 9 vào chiều 29/3: “Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 đang dần khép lại, nhưng dư âm và ấn tượng tốt đẹp chắc sẽ còn đọng mãi”.