BOT giao thông: Nhà nước khó kiểm soát giá thành và chất lượng
Quy định về mức lợi nhuận của nhà đầu tư còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa minh bạch trong quá trình thực hiện
Quyền hạn, trách nhiệm chưa rõ ràng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khó kiểm soát giá thành và chất lượng công trình.
Đây là nhận định của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)".
Theo chương trình phiên họp thứ 13, cả ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề này.
BOT là hướng đi đúng đắn
Đánh giá hiệu quả tổng thể mà của các dự án giao thông BOT, đoàn giám sát cho rằng diện mạo về hệ thống giao thông tại Việt Nam, đặc biệt là hệ thống đường, cầu có sự chuyển biến rõ rệt, tạo điểm nhấn cho sự phát triển.
Khẳng định tiếp theo là trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế và nguồn ODA thu hẹp dần thì việc huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, phát triển kinh tế nói chung. Đồng thời giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nền kinh tế…
Cụ thể, với 71 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trong giao thông đã và đang được thực hiện, nhiều ngàn tỷ đồng (dự kiến hơn 200.000 tỷ đồng) của các thành phần kinh tế đã và đang được huy động cho đầu tư, làm giảm bớt một gánh nặng không nhỏ của ngân sách nhà nước. Đặc biệt là trong bối cảnh bội chi ngân sách nhà nước đã diễn ra liên tục nhiều năm với tỷ lệ rất cao (từ 5 đến hơn 6%GDP), với hệ lụy trực tiếp là nợ công tăng cao đến mức báo động.
Đa số người dân tham gia giao thông được hưởng những dịch vụ, hàng hóa công cộng tốt hơn, đầy đủ hơn với một mức chi phí hợp lý - báo cáo giám sát nêu rõ.
Đối với nhà nước, kết quả giám sát cho thấy, từ kết quả và kinh nghiệm có được trong việc triển khai các dự án giao thông BOT đã khẳng định hướng đi đúng đắn của mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, cần tiếp tục được phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác.
Chưa minh bạch
Hiệu quả tổng thể thì như vậy nhưng báo cáo giám sát cũng cho thấy không ít hạn chế, vướng mắc từ việc ban hành chính sách đến thực tế triển khai.
Trong các buổi làm việc của đoàn giám sát với các cơ quan liên quan, khá nhiều thông tin "khó hiểu" đã được đưa ra và nhận xét "tự tung tự tác" cũng đã được một vị quan chức ngành kiểm toán dành cho nhà đầu tư BOT.
Điều này có lẽ có nguyên nhân từ hạn chế được chỉ ra tại báo cáo giám sát, trong đó có việc quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn chưa rõ ràng.
Báo cáo giám sát nêu rõ, trước đây, thực hiện theo nghị định số 15/2013/NĐ-CP và thông tư số 13/2013/TT-BXD, các dự án giao thông BOT do nhà đầu tư chịu trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế bản vẽ thi công theo quy định của các nghị định, thông tư về quản lý chất lượng công trình và gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giám sát, kiểm tra.
Đối với các dự án chỉ định thầu (hầu hết các dự án BOT giao thông đều được chỉ định thầu) quy định này dẫn đến việc nhà đầu tư được giao quá nhiều quyền như có thể chỉ định nhà thầu, định giá các sản phẩm xây dựng và dịch vụ tư vấn đi kèm trong quá trình đầu tư, tạm ứng vốn đầu tư cho nhà thầu...
Do vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khó kiểm soát giá thành và chất lượng công trình - đoàn giám sát nhận định.
Đáng chú ý, cũng trong ban hành văn bản thì quy định về mức lợi nhuận của nhà đầu tư còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Quy định liên quan đến trạm thu phí và mức phí, theo đoàn giám sát cũng còn nhiều bất cập.
Đoàn giám sát cho rằng, mức thu phí được tính dựa trên nguyên tắc hạch toán giữa chi phí đầu tư và giá thành, tuy nhiên vẫn gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ do chênh lệch về mức thu phí không công bằng giữa mức phí và chất lượng dịch vụ được sử dụng. Việc ban hành từng thông tư riêng về mức phí giai đoạn trước 1/1/2017 vừa làm phức tạp thêm thủ tục hành chính vừa thiếu minh bạch về cơ sở xác định mức thu phí.
Trong khi đó, quy chế giám sát doanh thu chỉ dựa vào báo cáo doanh thu của doanh nghiệp dự án và thanh tra, kiểm tra chưa bảo đảm chặt chẽ, minh bạch.
Văn bản đầy bất cập, quá trình thực hiện đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT giai đoạn 2011 - 2016 cũng không ít "vấn đề".
Như, nhiều dự án chất lượng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, việc quản lý chất lượng công trình thời gian qua bị buông lỏng. Việc xác định phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý. Hay, thu phí khiến người dân bức xúc kéo dài...
Báo cáo giám sát còn chỉ ra khá nhiều hạn chế, bất cập cụ thể khác. Nhưng, phần trách nhiệm của tập thể, cá nhân thì nêu rất ngắn gọn: "đối với việc xử lý trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư về các tồn tại, sai sót đã được nêu tại kết luận của cơ quan thanh tra".