11:39 07/03/2014

Bớt “nhiệm vụ chính trị” cho doanh nghiệp nhà nước?

Nguyên Thảo

Mỗi khi bị phê phán, doanh nghiệp nhà nước thường viện dẫn các trách nhiệm chính trị và xã hội mà mình phải gánh vác

Ròng rã nhiều năm nay, rất nhiều chuyên gia nội và ngoại đã “khô cổ” với
 các khuyến nghị  đặt khối doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với 
các doanh nghiệp khác.
Ròng rã nhiều năm nay, rất nhiều chuyên gia nội và ngoại đã “khô cổ” với các khuyến nghị  đặt khối doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác.
Liên tục xuất hiện trong các thông điệp mạnh mẽ liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế và cải cách thể chế kinh tế, nhưng cũng không ngừng gây tranh cãi, đó chính là doanh nghiệp nhà nước.

Trong một bản báo cáo mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt thể chế tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước lên vị trí hàng đầu trong những nhiệm vụ hoàn thiện thể chế "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" cần tập trung thực hiện trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Muộn còn hơn không

Theo nhìn nhận của bộ này, suy thoái kinh tế trong những năm gần đây đã bộc lộ sự yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước, trước hết là những tập đoàn, tổng công ty. Song, kết quả tái cơ cấu khối này còn nhiều hạn chế.

Từ hiện trạng đó, cơ quan xây dựng báo cáo cho rằng cần phải định vị lại một cách rõ ràng và hợp lý vai trò, chức năng và nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Việc xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là hoàn toàn đúng đắn, nhưng cần tách biệt và xác định rõ vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong tổng thể kinh tế nhà nước nói riêng và trong toàn bộ hệ thống kinh tế quốc dân nói chung, để phù hợp với kinh tế thị trường và phù hợp với các cam kết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, báo cáo viết.

Kể ra, cũng có chút khôi hài khi đặt vấn đề “định vị lại” trong bối cảnh cải cách doanh nghiệp nhà nước đang chạy nước rút ở hai năm cuối nhiệm kỳ. Khi mà ròng rã nhiều năm nay, rất nhiều chuyên gia nội và ngoại đã “khô cổ” với các khuyến nghị  đặt khối này vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Và khi sự sụp đổ của một số “ông lớn” tiếp tục đặt lên vai mỗi người dân những nợ nần không hề nhỏ.

Nhưng, thà muộn còn hơn không. Bởi nếu không thể thống nhất trong chính các cơ quan giữ vai trò quan trọng với tiến trình cải cách về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì cũng không thể hy vọng cải thiện được “tốc độ rùa” trong tái cơ cấu khu vực này.

Là cơ quan chắp bút bản báo cáo 5 năm thực  hiện nghị quyết Trung ương 6 khóa 10 về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần chuyển toàn bộ tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần trong 3 - 4 năm tới. Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn tại doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và một số doanh nghiệp nhà nước chuyên cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Đây lại là một “tuyên ngôn” không có gì mới mẻ về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, vẫn là câu chuyện thời sự trên thực tế.

Bớt “nhiệm vụ chính trị”?


Trong một bài viết có tựa đề “khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng”, nhóm tác giả thuộc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho rằng trên cơ sở xác định lại vai trò của nhà nước, cần xác định lại vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ luôn khẳng định rằng ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước là công cụ để Chính phủ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, từ góc độ lý thuyết cũng như thực tiễn, những lập luận này là không có cơ sở, nhóm tác giả Fulbright nhìn nhận.

Bài viết cũng cho rằng cần hạn chế tới mức tối đa việc yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải gánh thêm các nhiệm vụ an sinh, chính trị và xã hội.

Hiện nay, mỗi khi bị phê phán về tính kém hiệu quả thì các doanh nghiệp nhà nước thường viện dẫn các trách nhiệm chính trị và xã hội mà mình phải gánh vác, như nguyên nhân chính dẫn đến tính trạng kém hiệu quả này. Vì vậy, trừ một số trường hợp đặc biệt cần thiết, cần hạn chế tối đa trách nhiệm chính trị - xã hội đối với các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời giao lại các nhiệm vụ này cho chính sách tài khóa và an sinh xã hội để đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhóm tác giả Fulbright viết.

Quan điểm này cũng rất gần với chính kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nhiều chức năng về ổn định giá, hỗ trợ miền núi, vùng cao đều có thể sử dụng phương pháp trợ giúp khác, mà không cần đến doanh nghiệp nhà nước.
 
Cùng chung quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo cho rằng Nhà nước chỉ nên nắm giữ 100% vốn với các doanh nghiệp thật đặc biệt hoặc lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân không làm.

Nhắc lại hiến định các thành phần kinh tế bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và được đối xử bình đẳng trước pháp luật tại Hiến pháp 2013, đại biểu Đinh Xuân Thảo phân tích, sự bình đẳng thể hiện ở ba điểm. Đó là bình đẳng về địa vị, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng về bảo hộ.

Nhưng, theo ông nhìn nhận thì rất khó để đạt được cả ba điều trên. Bởi, chỉ nói chuyện vay vốn ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước dễ vay hơn vì nếu thua lỗ đã có nhà nước chịu. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chỉ nên đếm trên đầu ngón tay, còn lại nên cổ phần hóa hết, ông Thảo thể hiện chính kiến.

Cổ phần hóa, theo Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Máy và Thiết bị phụ tùng SEATECH Lê Văn Hiểu, là cách hiệu quả để định vị lại doanh nghiệp nhà nước.

Ông Hiểu cho rằng những ngành liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân thì nên giao cho tư nhân, người dân chắc chắn sẽ được hưởng giá thấp hơn. Chẳng hạn nếu cổ phần hóa triệt để ngành điện  thì người dân sẽ được hưởng lợi lớn hơn rất nhiều khi họ được mặc cả về giá.

Định vị lại doanh nghiệp nhà nước, sau chủ trương là đòi hỏi những hành động cụ thể để xoay chuyển tình thế. Và thành công của nó sẽ góp phần định vị lại niềm tin của nhân dân với khu vực vốn đang đầy tai tiếng này.