BSR sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024
Ngày 18/7/2024, tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024…
6 THÁNG ĐẦU NĂM BSR SẢN XUẤT 2,85 TRIỆU TẤN SẢN PHẨM
Thực hiện phương châm quản lý điều hành “Quản trị biến động, làm mới động lực cũ, bổ sung động lực mới, tạo nguồn năng lượng mới, vươn tới những đỉnh cao” và triển khai có hiệu quả 8 nhóm động lực, giải pháp mà Tập đoàn đã chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2024, BSR hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Kế hoạch sản xuất kinh doanh và Kế hoạch quản trị 6 tháng đầu năm.
Theo đó, BSR đã sản xuất được 2,85 triệu tấn sản phẩm (tiêu thụ 2,75 triệu tấn), đạt 119% so với kế hoạch; tổng doanh thu 55,3 nghìn tỷ đồng, đạt 139% so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước hơn 5,7 nghìn tỷ đồng, đạt 131% so với kế hoạch và lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra.
Nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2024, BSR đã thực hiện thành công và hoàn thành công tác bảo dưỡng tổng thể lần 5 NMLD Dung Quất; thử nghiệm thành công tăng công suất phân xưởng CDU lên 118%, RFCC lên 110%, KTU lên 140% công suất thiết kế; thử nghiệm chế biến dầu thô mới Bunga Orkid với 20 %vol và sản xuất thành công 500 tấn sản phẩm mới hạt nhựa PP định hình nhiệt TF4035.
NMLD Dung Quất đang hoạt động ổn định ở công suất tối ưu. Chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (EII) của Nhà máy đã thấp hơn 100% lần đầu tiên kể từ khi đi vào vận hành, cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của BSR trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất và tiết kiệm năng lượng.
Để có thể hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, BSR đã chủ động đưa ra 8 nhóm giải pháp, đó là: Nhóm về văn hóa doanh nghiệp; nhóm thể chế chính sách; nhóm quản trị doanh nghiệp; nhóm về mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng suất và hiệu suất; nhóm mở rộng thị trường, kinh doanh quốc tế; nhóm quản trị đầu tư; nhóm tài chính và nhóm hoàn thiện Chiến lược đồng bộ với Đề án tái cấu trúc của Petrovietnam.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT BSR cho biết thêm: Trong bối cảnh khó khăn, BSR triển khai nhiều nhóm giải pháp để vượt qua. Trong đó có việc tiết giảm chi phí nhờ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng sáng kiến, sáng tạo vào sản xuất kinh doanh. Nhờ các sáng kiến, sáng tạo, BSR đã tiết kiệm được hàng chục triệu USD từ việc giảm hao hụt dầu thô trong chế biến. Các giải pháp sáng tạo khác cũng giúp BSR tiết kiệm hàng chục triệu USD.
“Trong quá trình vận hành, BSR đã mạnh dạn thử nghiệm chế biến các loại dầu thô khác từ nước ngoài. Và việc đa dạng hoá nguồn dầu thô nguyên liệu được xem là một giải pháp quan trọng trong bối cảnh dầu thô trong nước đang suy giảm sản lượng. Thời gian qua, Petrovietnam đã rất ủng hộ BSR trong việc mua dầu thô trong nước và BSR mong trong thời gian tới, Petrovietnam tiếp tục ủng hộ Công ty trong việc này”, Chủ tịch HĐQT BSR Nguyễn Văn Hội phát biểu.
ĐỊNH HƯỚNG 4 NHÓM GIẢI PHÁP ĐỂ BSR PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV Petrovietnam đã đưa ra những nhận định về xu thế phát triển ngành năng lượng trong tương lai: “Tôi muốn lưu ý BSR cần chuẩn bị nhiều tình huống, không được bị động trong xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ. BSR cũng cần tập trung phát triển thị trường kinh doanh, đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, làm tốt công tác tối ưu hoá và phát triển sản phẩm mới”.
Ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết: Suốt từ khi thành lập đến nay, BSR đã đạt được nhiều thành tựu, hiệu quả kinh tế của NMLD Dung Quất thể hiện rất rõ qua con số nhà nước đầu tư 3 tỷ USD ban đầu nhưng hiện tại BSR đã đóng góp ngân sách gần 9 tỷ USD; chưa kể những hiệu quả về kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng. “Tôi cũng đánh giá rất cao về các quyết tâm vượt khó của BSR, đặc biệt là thời điểm 6 tháng đầu năm 2024 khi vừa bảo dưỡng tổng thể mà vẫn thực hiện công tác sản xuất kinh doanh hiệu quả. BSR cần tiếp tục phát huy hết tinh thần nỗ lực này trong 6 tháng cuối năm để đưa đưa cả năm về đích vượt kế hoạch”, ông Lê Xuân Huyên nhấn mạnh.
Để vượt qua những thách thức, khó khăn trong thời gian tới, Tổng giám đốc Petrovietnam, ông Lê Ngọc Sơn chỉ đạo BSR tập trung vào 4 nhóm giải pháp.
Tập trung vào quản trị nguồn lực, quản trị rủi ro, đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới tư duy số, nâng tầm văn hoá doanh nghiệp. BSR cần mạnh dạn đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trên tinh thần quản trị hiện đại.
Trong bối cảnh thị trường dầu thô quốc tế biến động, thời gian tới được đánh giá là sẽ khó khăn cho cả Petrovietnam và BSR. BSR cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp quản trị để giữ sự ổn định, từ đó làm điểm tựa từng bước vượt qua khó khăn. Dự báo và đánh giá tình hình dầu thô cũng như chuẩn bị nguồn dầu thô mới cho NMLD Dung Quất.
BSR cần xây dựng Chiến lược phát triển dài hạn một cách kỹ lưỡng, đồng bộ với chiến lược của Petrovietnam và đưa ra các định hướng cụ thể từ bây giờ tới năm 2035. Và xu hướng tất yếu là phát triển gắn bó với chuyển đổi xanh.
Cuối cùng, về các kiến nghị và đề nghị của đơn vị, Petrovietnam sẽ ủng hộ tối đa, từng bước giải quyết các kiến nghị trên cơ sở tuân thủ pháp luật hiện hành, gia tăng liên kết chuỗi và bám sát tình hình thực tế tại đơn vị.