Bữa ăn công nhân mất vệ sinh
Số vụ ngộ độc ở bếp ăn tập thể của công nhân hiện đứng thứ 2 trong số các loại vụ ngộ độc
Số vụ ngộ độc ở bếp ăn tập thể của công nhân hiện đứng thứ 2 trong số các loại vụ ngộ độc.
Theo thông tin được Bộ Công Thương đưa ra mới đây, tại các khu công nghiệp chỉ mới có 52,6% các bếp ăn đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ghé thăm một số bếp ăn tập thể tại Khu công nghiệp Phố Nối, đập vào mắt người viết những cảnh nhếch nhác, thức ăn được bày tràn lan trên bàn, không có tủ bảo quản, cũng chẳng cần đậy điệm. Có bếp ăn, các loại rau quả đã úa vàng để ngay cạnh nhà vệ sinh, rãnh thoát nước.
Bát đũa, đồ dùng nấu ăn chỉ được rửa qua loa, xoong chảo còn dính cơm và thức ăn thừa bị đàn ruồi bu kín nằm ngổn ngang trong nhà bếp ẩm thấp. Công nhân chế biến không mang găng tay, không khám sức khỏe và nguyên liệu không nguồn gốc là hiện trạng rất phổ biến.
Tại Công ty M.A, gần 500 trăm công nhân chen chúc nhau đến nghẹt thở trong mấy dãy bàn ăn của nhà bếp. Chị Vinh, một đầu bếp cho biết: “Mỗi suất ăn chỉ được công ty cho 4.000 đồng, với số tiền quá thấp như vậy, để đảm bảo bữa ăn cho công nhân, đòi hỏi nhà bếp phải tính toán kỹ khi mua nguyên liệu chế biến. Rau xanh và thịt mua ở chợ cho rẻ, thấy tươi tắn là được. Nhiều cơ sở chào hàng tận nơi, họ có giấy chứng nhận kiểm dịch, nhưng giá bán đắt quá, chúng tôi không dám mua”.
Chưa có cơ quan nào quy định mức giá suất ăn bao nhiêu, nên phần lớn các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Phố Nối chỉ đặt suất ăn cho công nhân với mức... 4.000 đồng.
Ghé thăm một vài bếp ăn ở Khu công nghiệp Tiên Sơn, tình trạng cũng không khá hơn. Nhiều công ty vì số lượng công nhân ít, không đủ lực để lập bếp ăn tập thể riêng. Chị Mai nhận thầu nấu ăn cho công nhân của nhiều công ty (Vigracera, Acecook, Thiên Hương), cho biết: thức ăn được nấu tại một địa điểm, rồi đưa đến các doanh nghiệp. Tại một số nhà máy, công nhân được phát mỗi người một suất ăn trưa, họ ăn ngay tại công xưởng vì không có phòng ăn riêng.
Chị Minh, công nhân làm việc tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh nói: “Ở bếp ăn công ty, nhiều món ăn bị nhà bếp để từ bữa này sang bữa khác, nấu lại nhiều lần, khiến nhiều bữa không thể nuốt nổi vì thức ăn có mùi ôi thiu”.
Những quy định về vệ sinh bếp ăn tập thể
Những đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đối với quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thường gặp những vi phạm như dụng cụ phục vụ ăn uống, chế biến, tồn trữ, bảo quản thực phẩm sai quy định; nhân viên trực tiếp sản xuất chưa được trang bị kiến thức cơ bản về bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân.
Hầu hết các bếp ăn tập thể, nơi cung cấp suất ăn cho công nhân đều mua hàng trôi nổi, kém chất lượng và vệ sinh, trừ số ít công ty lớn mới mua ở siêu thị. Mối nguy gây ngộ độc lớn nhất là nguồn nguyên liệu, nhưng hầu hết nguyên liệu đầu vào không qua kiểm định. Đáng lo ngại hiện nay là việc nhận thức về phòng dịch bệnh của các cơ sở nấu ăn còn chủ quan coi nhẹ.
Theo ông Trần Đáng (Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm), để đảm bảo vệ sinh an toàn, những người tham gia nấu bếp phải hiểu rõ các nguyên nhân, tuân thủ nhiều quy định bắt buộc đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề ra. Nguyên liệu chế biến là khâu then chốt nhất, mua thực phẩm ở nơi tin cậy, rõ nguồn gốc, cần kiểm tra hình dáng bao bì, không được mua những loại thực phẩm nằm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.
Vị trí nhà bếp phải đảm bảo, bố trí cách xa nhà vệ sinh và xưởng sản xuất. Chế biến thức ăn cần tuân thủ đúng quy trình một chiều từ nơi nhận thực phẩm đến nhà bếp rồi mới sang phòng ăn. Chế biến đúng cách: sử dụng nước sạch, thực phẩm mua về được bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C, không để thực phẩm đã nấu chín tiếp xúc với thực phẩm còn sống. Thịt gia súc gia cầm phải được chế biến kỹ, rau tươi rửa sạch bằng nước sát trùng, nên chú ý rằng một vài vi sinh vật gây bệnh vẫn có thể sống sót vì tạo ra lớp màng tự bảo vệ chúng. Sử dụng phụ gia đúng cách, tuân theo hướng dẫn sử dụng.
Nhân viên nhà bếp phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ, không tham gia chế biến khi người có bệnh. Nhân viên đang mắc bệnh dễ lây, phải cho tạm nghỉ việc. Không được ăn kẹo, hút thuốc lá khi đang chế biến. Không được để quần áo, tư trang trong khu vực nhà bếp, sử dụng găng tay an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm. Tất cả dụng cụ nấu ăn cần được vệ sinh sạch sẽ, rổ rá kê lên cao, ống đựng đũa, thìa khô thoáng. Thùng đựng rác có nắp đậy, để xa khu vực chế biến thức ăn, đổ rác thường xuyên. Phòng ăn phải trang bị nhưng thiết bị cần thiết (quạt, điều hòa) để đảm bảo khô sạch, thoáng mát.
Căng tin, nhà ăn công nhân phải có trách nhiệm lưu mẫu thức ăn để thuận tiện cho việc kiểm tra chất lượng thức ăn khi ngộ độc nảy sinh. Mẫu được bảo quản lạnh tại cơ sở, kèm theo sổ ghi chép nguyên liệu đầu vào và thực đơn bữa ăn hàng ngày. Nếu ngộ độc xảy ra, cần áp dụng ngay các biện pháp khắc phục hậu quả, báo ngay cho UBND gần nhất, đồng thời chịu mọi chi phí xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ. Người đứng đầu các đơn vị để xảy ra ngộ độc sẽ bị xử lý nghiêm, nếu để tái diễn nhiều lần sẽ bị cách chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xây dựng bếp ăn đạt chuẩn
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ các bếp ăn tập thể, đồng thời xây dựng những mô hình bếp ăn công nhân đạt chuẩn.
Ngành bưu điện là một trong những ngành đi đầu trong công tác xây dựng các bếp ăn tập thể. Nhiều bưu điện huyện, tỉnh, thành phố đã xây dựng, duy trì rất tốt các bếp ăn tập thể, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Cùng với thái độ phục vụ nhiệt tình chu đáo, giá cả phải chăng, được niêm yết rõ ràng, phòng ăn sạch sẽ được bố trí hợp lý nên bếp ăn đã tạo được niềm tin đối với lãnh đạo cũng như cán bộ công nhân viên. Các bưu điện tỉnh, thành như Hà Nội, Hà Nam, Hoà Bình, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đồng Nai,... đều có những bếp ăn tập thể đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài việc phục vụ cán bộ công nhân viên, các bếp ăn này còn phục vụ cả việc tiếp khách. Phương châm phục vụ là bữa ăn vừa phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh, dinh dưỡng lại vừa rẻ. Hiện nay, nhiều bếp ăn trong ngành đều được trợ cấp nguồn nhiên liệu đốt, do đó giá một bữa ăn rẻ hơn nhiều so với bên ngoài, cùng với việc các bếp ăn luôn đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh nên thu hút được nhiều cán bộ công nhân viên ăn tại đơn vị.
Để nâng cao năng suất lao động, việc đảm bảo ăn ở cho công nhân vô cùng quan trọng. Các ngành chức trách đang quyết liệt làm hết sức mình để tất cả anh em công nhân được ăn uống tại những bếp ăn đạt tiêu chuẩn. Cùng với việc quan tâm đến đời sống công nhân như tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, các doanh nghiệp cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong mỗi bếp ăn và trong mỗi khẩu phần ăn của công nhân, có như vậy sức khoẻ công nhân mới được đảm bảo.
Theo thông tin được Bộ Công Thương đưa ra mới đây, tại các khu công nghiệp chỉ mới có 52,6% các bếp ăn đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ghé thăm một số bếp ăn tập thể tại Khu công nghiệp Phố Nối, đập vào mắt người viết những cảnh nhếch nhác, thức ăn được bày tràn lan trên bàn, không có tủ bảo quản, cũng chẳng cần đậy điệm. Có bếp ăn, các loại rau quả đã úa vàng để ngay cạnh nhà vệ sinh, rãnh thoát nước.
Bát đũa, đồ dùng nấu ăn chỉ được rửa qua loa, xoong chảo còn dính cơm và thức ăn thừa bị đàn ruồi bu kín nằm ngổn ngang trong nhà bếp ẩm thấp. Công nhân chế biến không mang găng tay, không khám sức khỏe và nguyên liệu không nguồn gốc là hiện trạng rất phổ biến.
Tại Công ty M.A, gần 500 trăm công nhân chen chúc nhau đến nghẹt thở trong mấy dãy bàn ăn của nhà bếp. Chị Vinh, một đầu bếp cho biết: “Mỗi suất ăn chỉ được công ty cho 4.000 đồng, với số tiền quá thấp như vậy, để đảm bảo bữa ăn cho công nhân, đòi hỏi nhà bếp phải tính toán kỹ khi mua nguyên liệu chế biến. Rau xanh và thịt mua ở chợ cho rẻ, thấy tươi tắn là được. Nhiều cơ sở chào hàng tận nơi, họ có giấy chứng nhận kiểm dịch, nhưng giá bán đắt quá, chúng tôi không dám mua”.
Chưa có cơ quan nào quy định mức giá suất ăn bao nhiêu, nên phần lớn các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Phố Nối chỉ đặt suất ăn cho công nhân với mức... 4.000 đồng.
Ghé thăm một vài bếp ăn ở Khu công nghiệp Tiên Sơn, tình trạng cũng không khá hơn. Nhiều công ty vì số lượng công nhân ít, không đủ lực để lập bếp ăn tập thể riêng. Chị Mai nhận thầu nấu ăn cho công nhân của nhiều công ty (Vigracera, Acecook, Thiên Hương), cho biết: thức ăn được nấu tại một địa điểm, rồi đưa đến các doanh nghiệp. Tại một số nhà máy, công nhân được phát mỗi người một suất ăn trưa, họ ăn ngay tại công xưởng vì không có phòng ăn riêng.
Chị Minh, công nhân làm việc tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh nói: “Ở bếp ăn công ty, nhiều món ăn bị nhà bếp để từ bữa này sang bữa khác, nấu lại nhiều lần, khiến nhiều bữa không thể nuốt nổi vì thức ăn có mùi ôi thiu”.
Những quy định về vệ sinh bếp ăn tập thể
Những đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đối với quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thường gặp những vi phạm như dụng cụ phục vụ ăn uống, chế biến, tồn trữ, bảo quản thực phẩm sai quy định; nhân viên trực tiếp sản xuất chưa được trang bị kiến thức cơ bản về bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân.
Hầu hết các bếp ăn tập thể, nơi cung cấp suất ăn cho công nhân đều mua hàng trôi nổi, kém chất lượng và vệ sinh, trừ số ít công ty lớn mới mua ở siêu thị. Mối nguy gây ngộ độc lớn nhất là nguồn nguyên liệu, nhưng hầu hết nguyên liệu đầu vào không qua kiểm định. Đáng lo ngại hiện nay là việc nhận thức về phòng dịch bệnh của các cơ sở nấu ăn còn chủ quan coi nhẹ.
Theo ông Trần Đáng (Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm), để đảm bảo vệ sinh an toàn, những người tham gia nấu bếp phải hiểu rõ các nguyên nhân, tuân thủ nhiều quy định bắt buộc đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề ra. Nguyên liệu chế biến là khâu then chốt nhất, mua thực phẩm ở nơi tin cậy, rõ nguồn gốc, cần kiểm tra hình dáng bao bì, không được mua những loại thực phẩm nằm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.
Vị trí nhà bếp phải đảm bảo, bố trí cách xa nhà vệ sinh và xưởng sản xuất. Chế biến thức ăn cần tuân thủ đúng quy trình một chiều từ nơi nhận thực phẩm đến nhà bếp rồi mới sang phòng ăn. Chế biến đúng cách: sử dụng nước sạch, thực phẩm mua về được bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C, không để thực phẩm đã nấu chín tiếp xúc với thực phẩm còn sống. Thịt gia súc gia cầm phải được chế biến kỹ, rau tươi rửa sạch bằng nước sát trùng, nên chú ý rằng một vài vi sinh vật gây bệnh vẫn có thể sống sót vì tạo ra lớp màng tự bảo vệ chúng. Sử dụng phụ gia đúng cách, tuân theo hướng dẫn sử dụng.
Nhân viên nhà bếp phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ, không tham gia chế biến khi người có bệnh. Nhân viên đang mắc bệnh dễ lây, phải cho tạm nghỉ việc. Không được ăn kẹo, hút thuốc lá khi đang chế biến. Không được để quần áo, tư trang trong khu vực nhà bếp, sử dụng găng tay an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm. Tất cả dụng cụ nấu ăn cần được vệ sinh sạch sẽ, rổ rá kê lên cao, ống đựng đũa, thìa khô thoáng. Thùng đựng rác có nắp đậy, để xa khu vực chế biến thức ăn, đổ rác thường xuyên. Phòng ăn phải trang bị nhưng thiết bị cần thiết (quạt, điều hòa) để đảm bảo khô sạch, thoáng mát.
Căng tin, nhà ăn công nhân phải có trách nhiệm lưu mẫu thức ăn để thuận tiện cho việc kiểm tra chất lượng thức ăn khi ngộ độc nảy sinh. Mẫu được bảo quản lạnh tại cơ sở, kèm theo sổ ghi chép nguyên liệu đầu vào và thực đơn bữa ăn hàng ngày. Nếu ngộ độc xảy ra, cần áp dụng ngay các biện pháp khắc phục hậu quả, báo ngay cho UBND gần nhất, đồng thời chịu mọi chi phí xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ. Người đứng đầu các đơn vị để xảy ra ngộ độc sẽ bị xử lý nghiêm, nếu để tái diễn nhiều lần sẽ bị cách chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xây dựng bếp ăn đạt chuẩn
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ các bếp ăn tập thể, đồng thời xây dựng những mô hình bếp ăn công nhân đạt chuẩn.
Ngành bưu điện là một trong những ngành đi đầu trong công tác xây dựng các bếp ăn tập thể. Nhiều bưu điện huyện, tỉnh, thành phố đã xây dựng, duy trì rất tốt các bếp ăn tập thể, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Cùng với thái độ phục vụ nhiệt tình chu đáo, giá cả phải chăng, được niêm yết rõ ràng, phòng ăn sạch sẽ được bố trí hợp lý nên bếp ăn đã tạo được niềm tin đối với lãnh đạo cũng như cán bộ công nhân viên. Các bưu điện tỉnh, thành như Hà Nội, Hà Nam, Hoà Bình, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đồng Nai,... đều có những bếp ăn tập thể đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài việc phục vụ cán bộ công nhân viên, các bếp ăn này còn phục vụ cả việc tiếp khách. Phương châm phục vụ là bữa ăn vừa phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh, dinh dưỡng lại vừa rẻ. Hiện nay, nhiều bếp ăn trong ngành đều được trợ cấp nguồn nhiên liệu đốt, do đó giá một bữa ăn rẻ hơn nhiều so với bên ngoài, cùng với việc các bếp ăn luôn đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh nên thu hút được nhiều cán bộ công nhân viên ăn tại đơn vị.
Để nâng cao năng suất lao động, việc đảm bảo ăn ở cho công nhân vô cùng quan trọng. Các ngành chức trách đang quyết liệt làm hết sức mình để tất cả anh em công nhân được ăn uống tại những bếp ăn đạt tiêu chuẩn. Cùng với việc quan tâm đến đời sống công nhân như tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, các doanh nghiệp cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong mỗi bếp ăn và trong mỗi khẩu phần ăn của công nhân, có như vậy sức khoẻ công nhân mới được đảm bảo.